BÀI VIẾT MỚI

Minh Phương

Minh Phương

TRƯỜNG SỐ TÁM THÂN YÊU - Thơ Tạ Thị Ngọc Hiền - Hội văn học nghệ thuật Lâm Đồng

Thơ Tạ Thị Ngọc Hiền - Hội văn học nghệ thuật Lâm Đồng - sáng tác tại Nhà sáng tác Tam Đảo tháng 9/2020.

TRƯỜNG SỐ TÁM THÂN YÊU

Tôi nhớ một mái trường
Trường Miền Nam số 8
Một thời trong xa lắc
Với gió ngàn phi lao
 
Mưa dập dềnh mái lá
Túp lều tranh rét giá
Bầy em như khối lá
Năm B, năm C, năm G
 
Trường Tám tôi, Vĩnh Phú.
Trường học sinh Miền Nam
Tuổi hồng thơ ngây đã
Vượt Trường Sơn cao vời vợi
 
Trường Tám ơi! Trường Tám ơi!
Vườn mít qua vườn trám chơi
Làng Hà qua Đồng Bã thôi
Núc Hạ xôn xao tiếng hát.
 
Trường 8 qua trường 2 chơi
Lập Thạch đi Vĩnh Yên cho vui
Bon bon trên xe đá
Chân lang thang mùa hè.
 
Tôi nhớ sao mái trường
Trường Miên Nam Vĩnh Phú
Chiều nhìn lên Tam Đảo
Sương núi và mây bay
 
Trường Tám bây giờ vẫn
Hoài nhớ ơn thầy cô
Những ngày thơ trên đất Bắc
Lập Thạch nuôi ta thành người.

TRIẾT LÍ NHÂN QUẢ TRONG TRUYỆN NGẮN CỦA NHÀ VĂN MAI TIẾN NGHỊ - Lý luận phê bình của Nguyễn Văn Nhượng – Hội văn học nghệ thuật Nam Định

Lý luận phê bình của Nguyễn Văn Nhượng – Hội văn học nghệ thuật Nam Định – sáng tác tại Nhà sáng tác Nha Trang tháng 9/2020

TRIẾT LÍ NHÂN QUẢ
TRONG TRUYỆN NGẮN CỦA NHÀ VĂN MAI TIẾN NGHỊ

Tác phẩm văn học dễ gây được ấn tượng, đi sâu vào trí nhớ bạn đọc, có khả năng cảm hóa tâm hồn, khiến chúng ta thay đổi nhận thức và hành động, thường nằm ở những tác phẩm giàu chất triết lí nhân sinh, đặc biệt là triết lí nhân quả. Đọc truyện ngắn của nhà văn Mai Tiến Nghị, ta bắt gặp nội dung triết lí nhân quả rất sâu sắc dưới cái nhìn khá đa chiều đa diện. Ở đó, ta bắt gặp hình ảnh những con người được tác giả đưa vào hệ quy chiếu của triết lí nhân quả, biểu hiện ra các hành động vô thức nên bị trả giá; phạm lỗi lầm, tự sám hối, tự hành xác để rửa tội; hoặc gieo nhân lành, bảo toàn thiên lương.

1. Con người hành động vô thức nên bị trả giá

  Nhân vật Điệp trong truyện Trứng vỡ, là một cô bé sinh ra trong một gia đình không bằng lặng, người cha nát rượu, gia đình vỡ nợ, mẹ phải đi xuất khẩu lao động, Điệp ở nhà với bố và một đứa em trai, nguy cơ đổ vỡ một mái ấm gia đình và quá trình tha hóa từng mảng, từng nhân cách của các thành viên trong gia đình như đã được báo trước, chỉ chờ ngày phát nổ. Từ một cô bé hiền lành, xinh xắn chăm chỉ biết lo toan việc nhà và chịu khó học hành. Từ chỗ sống khép mình, ai trêu chọc chỉ biết gục đầu lặng lẽ khóc, bằng tình yêu thương gần gũi, cô giáo chủ nhiệm đã giúp Điệp lấy lại những niềm vui con trẻ. Nhưng con người vốn là sản phẩm của hoàn cảnh sống, chân lý “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài” đã đúc kết như một quy luật luôn đúng, tình yêu thương vỗ về của cô giáo không đủ cưỡng lại những tác động xấu đến từ phái gia đình Điệp, sự xuất hiện bất ngờ cùng những mưu toan lanh lọc, độc ác của người phụ nữ làm tóc trong căn nhà mình, người mà cha Điệp đem về, người mà Điệp gọi bằng “dì” kia là nguồn cơn dẫn cô bé đến con đường hư hỏng. Chỉ vài tháng, Điệp đã tha hóa, trở thành con người khác hẳn “Ăn mặc diêm dúa áo thun cộc, quần bò trễ cạp…tóc nhuộm vàng hoe, nước hoa thơm nức, điện thoại di động dắt cạp quần”, Điệp trở thành “một nữ chúa tác oai tác quái trong đám học sinh nhà trường”. Đúng là “Ma đưa lối, quỷ dẫn đường. Lại tìm những lối đoạn trường mà đi” (Truyện Kiều - Nguyễn Du), Điệp bỏ học ở tuổi mười lăm và có thai với “thằng tóc xanh đỏ rủ mành mành kiểu Hàn Quốc (…) Thằng này là dân chích choác và cũng chưa đầy mười tám tuổi”. Từ đây, những cay đắng và nghiệt ngã đổ xuống đầu Điệp và gia đình “bố cái Điệp biết cách vung dao bầu bắt thằng này phải chịu trách nhiệm”, rồi chúng về ở với nhau khi chưa đủ tuổi kết hôn. Mẹ Điệp làm thủ tục li dị chồng và lấy ngay một chàng Đài Loan. Căn nhà bị bà dì chồng (người phụ nữ làm tóc mà Điệp từng gọi là “dì”) trừ nợ. Bố Điệp phải đưa đứa em trai vào tận trong Nam làm ăn. Điệp bắt đầu cuộc đời mới, đầy non trẻ và khờ khạo bằng cái bụng lùm lùm, ngồi bán trứng vịt với bà mẹ chồng ở chợ. Rồi chồng chết, Điệp đi phá thai, bị mẹ chồng tống cổ ra khỏi nhà và sống cù bất cù bơ, tiếp tục ngồi chợ để kiếm sống bằng những rổ trứng. Hận thù chưa dứt cùng với cuộc tranh mua bán cướp đã khiến Điệp và bà mẹ chồng hết duyên hết nợ kia, đi đến mâu thuẫn đỉnh điểm. Họ đánh chửi nhau kịch liệt, te tua bằng quả đạn trứng ngay giữa chợ. Chứng kiến cảnh ấy, ai cũng thấy thê thảm cho kiếp người, vì đâu nên nỗi. Đó là cái giá phải trả cho sự trẻ người non dạ, không phân biệt được tốt xấu, đúng sai. Điệp vừa đáng trách, vừa đáng thương. Cô giáo năm xưa đã từng yêu thương Điệp, rồi cũng vì Điệp mà phải bỏ nghề trong day dứt, xỉa xói của người đời, nay lại một lần nữa rộng vòng tay yêu thương cứu Điệp. Chỉ cô giáo Xuân mới đủ bao dung và lòng nhân từ để một lần nữa đón Điệp vào lòng và trở về với bản tính thiện lương ngày nào. Khi cuộc chiến đang diễn ra khốc liệt giữa chợ, không một ai dám dính vào thì cái tát mạnh tay, đánh “bộp” của cô giáo Xuân với Điệp đã giúp Điệp tỉnh táo, dừng lại “ – Đi nào! Về với cô!...Điệp líu ríu cúi mặt bước theo”. Đó là một cái kết bất ngờ có hậu, giúp Điệp trở về với bản chất tốt đẹp trước kia, cô giáo Xuân rồi sẽ như một người mẹ hiền, tưới chăm từng giọt nước mát vào lòng Điệp để Điệp không còn xơ xác, tiều tụy như lá úa nữa. Những cái giá cuộc đời Điệp đã trả, Điệp đã nếm trải, giờ đây hẳn sẽ rất thấm thía trong những ngày làm lại cuộc đời. Còn người cha nghiện ngập đã phá nát hành phúc gia đình kia cũng đã phải trả một cái giá đắt, mất nhà cửa, mất vợ, bỏ làng ôm con đi kiếm sống nơi xa, đó cũng là luật nhân quả.

  Ở truyện ngắn Hàng xóm tác giả xây dựng hình tượng người phụ nữ có vai vế, khiến mọi người trầm trồ thán phục, bà từng là “Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch một huyện, oai lệch đất quê”, suốt một đời phấn đấu để củng cố chức quyền, để lo chu toàn công việc, dựng chồng con cho ba cô con gái. Một chi tiết độc đáo trong tác phẩm, làm điểm nhấn khắc họa tính cách nhân vật và nỗi cay đắng cuộc đời đó là chi tiết để giữ vững những vị trí quyền lực, người phụ nữ đã quyết tâm bỏ cái thai trong bụng, bất chấp khi biết rằng nó là đứa con trai, niềm mong đợi nối dõi tông đường duy nhất của người chồng từng vào sinh ra tử nơi chiến trường ác liệt. Trước khi trở về đơn vị công tác, ông chồng đau đớn chua xót cho chính thân phận mình mà thốt lên: “tao đi đánh nhau mấy chục năm giữ nước, giữ dân tộc những đéo giữ được dòng giống nhà tao”. Và cái ngôi nhà ấy trở thành ngôi nhà truyền đời vô tự, phải lập mấy đời rể. Về hưu, bà chủ tịch huyện năm xưa không còn ai thưa gửi trịnh trọng, bà trở về như một nông dân chính hiệu, cô con gái út lấy chồng rồi ở luôn với bà. Sau bao nhiêu vật đổi sao trời của cơ chế, bằng mối quan hệ và đường đi nước bước của mình, bà hết lòng vun vén, chỉ trong thời gian ngắn, cậu con rể đã nhanh chóng thăng tiến, từ trưởng phòng trẻ nhất huyện trở thành phó chủ tịch huyện. lẽ thường với những năm tháng công tác cống hiến như vậy, bà sẽ được an nghỉ tuổi già, sum vầy cùng cháu con trong sự nhàn hạ, nhưng trái lại, bà luôn tất bật, với việc làm thêm để đỡ đần con cái. Điều cay đắng và nghịch cảnh nhất là bà bị biến thành một người “chăn chó” để phụ vụ cho hứng thú của cậu con rể út, đi cơ quan về anh ta “chỉ có việc chơi với chó. Nó đưa từng con lên hộn hít rồi ngửi ngửi, thỉnh thoảng lại kêu toáng lên rằng bà ơi con này chưa sạch”. Từ một người quyền lực “nghiêng trời lệch đất” ở ngoài, về hưu ở ngay trong nhà mình, bà sống và bị đối xử như con ở, cuối đời đi “dọn phân cho chó” với bao nỗi ấm ức nhục nhằn, kết cục bị con chó của thằng con rể tấn công, cắn rách vai và hông. Trớ trêu là cậu con rể chỉ xót xa, sốt sắng gọi xe cứu thương để chữa cho con chó bị đánh mà bỏ qua người mẹ già đau đớn.Tạo ra sự đối lập ấy dường như tác giả gửi đến một thông điệp nhân quả, chính lòng tham nuôi thêm chó nhà để tăng thu nhập của bà đã tạo ra sự đối địch với con chó ngao, con “hùm tinh” của anh con rể, để kết cục nó tấn công bà, chính sự nuông chiều vun vén cho con quá mức đã tạo ra những kẻ vô ơn chỉ biết dựa dẫm và gây ác. Cuối cùng bà là người phải gánh chịu, tự băng bó vết thương cho mình. Đó là bài học cuộc đời cho bất cứ ai về sở hữu quyền lực, sở hữu tình thương nhưng không biết chân giá trị và những giới hạn của chúng.

2. Con người phạm lỗi lầm, tự sám hối, tự hành xác để rửa tội

Nợ nhân gian là truyện ngắn từng lọt vào Top Ten truyện ngắn hay Báo Văn nghệ năm 2014 đồng thời cũng là tên một tập truyện ngắn của nhà văn Mai Tiến Nghị. Nợ nhân gian có lối kể tự nhiên độc đáo, tình huống hấp dẫn, nhiều chi tiết đắt. Nhan đề rất dung dị Nợ nhân gian nhuốm màu triết lí tín ngưỡng, tôn giáo. Quán xuyến trong cả tác phẩm là chiều sâu tư tưởng nhân quả, tư tưởng thân khổ do thân:“Ngẫm thân phù thế mà đau/ Bọt trong bể khổ bèo đầu bến mê” (Cung oán ngâm khúc – Đặng Trần Côn, Đoàn Thị Điểm). Chúng sinh sinh ra trong mê lầm khổ ải. Lão Viên, nhân vật chính trong truyện, làm nghề giết mổ chó, cộng thêm những thủ đoạn gian manh, quỷ quyệt đã giúp lão từ một kẻ tứ cố vô thân, tay trắng trở nên giàu có, vợ con đàng hoàng. Cuối đời gia cảnh sa sút lầm than, sau cái chết của vợ, con trai nghiện ngập cũng chết, để lại đống nợ, tài sản khánh kiệt, lão lại trở về với cảnh tứ cố vô thân và thành kẻ ăn mày với một tên mới “Chín Dúm” - cái tên gọi, chất chứa sự nghèo khổ, nỗi tủi nhục cùng sự khinh khi của người đời.

Nửa đầu truyện là nhân, nửa cuối truyện là quả. Tác giả đã phác họa ngón nghề giết, mổ chó “thăng hoa” trong khủng khiếp và man rợ của nhân vật lão Viên: “Lão treo ngược con chó vào cột nhà, xẻo một miếng da ở cổ con vật đáng thương, sau đó dùng cái đũa vót nhọn khều khều trong đám gân thịt bầy nhầy để tìm động mạch…Cũng chỉ một nhoáng là lão lôi ra một sợi tròn tròn, to gần bằng chiếc đũa đang giật giật…lưỡi dao xén ngọt…máu phọt ra, lão lạnh lùng đưa cái sanh đồng hứng trọn. Dòng máu phụt ra quá mạnh gặp đáy sanh bắn ngược vào mặt kẻ sát sinh, tung tóe trên nền đất…Máu chó đọng thành giọt trên râu, trên má lão (…) cả khuôn mặt và cả bộ râu rậm đã được nhuộm đỏ nhoe nhoét. Con vật khốn khổ giãy giãy vài cái, rướn xương sống lần cuối cùng rồi dãn ra bất động” và tất nhiên công đoạn tiếp theo của lão là nhúng vào nước sôi để cạo lông, bôi kẹo đắng để chỉ “thui sơ sơ thôi” trông cũng có màu vàng ươm để bắt mắt và bán có giá hơn, rồi lão “dùng chày đập đến dập hết mọi thớ thịt rồi mới đem luộc. Luộc xong, lão lại ngâm xuống ao khoảng vài giờ cho thớ thịt ngấm nước đến trương no…Sau cùng lão nhúng cả con chó vào nồi nước sôi ùng ục rồi vớt ra treo lên”. Có tiền rồi, đồng tiền lại tác oai cho lòng tham, lão sắp đặt để hai con trai lánh được nạn đi lính, để như một cách thoát chết “giữ yên mạng sống”, lí lẽ của lão là “học làm đếch gì, nhớn lên ở nhà giết chó. Giết chó thì không cần phải học. Đang đánh nhau rầm rầm, biết chữ lại phải đi bộ đội”, chỉ chịu cái tiếng “thiểu năng trí tuệ” kết hợp với một chút quà cáp cho cán bộ xã, hai thằng con trai lão đã không phải đi lính. Trong khi bao nhiêu thanh niên phải ra trận và hi sinh thì lão đắc ý và tự hào về điều đó. Thực sự đây là quá trình gieo nhân ác của lão. Sự giàu, có được nhờ quy trình thủ đoạn mưu mẹo rợn tóc gáy, bất chấp mọi thứ đạo lí trên đời, tranh sống với cả người lẫn vật. Người xưa từng đúc kết “sát sinh đoản mệnh báo; Tranh khôn, tranh lợi làm gì./ Hễ là người biết nghĩ thì nên”. Mưu toan tưởng sẽ cứu được mạng con, nhưng hai đứa con trai lão lần lượt chết trong đau đớn, vô ích bằng cái chết nghiện ngập. Sự nuông chiều con dẫn đến phải tự tay mình băng bó vết thương cho con. Cuối đời lão bắt đầu sự nghiệp ăn mày của mình, bắt đầu hành trình “lầm lũi sống cơ cực trong những năm tháng còn lại để trả nợ nhân gian, âu cũng là lẽ đời có luật nhân quả vậy. Lão đã chiêm nghiệm và ngộ ra điều đó”. Sau mỗi ngày đi ăn xin, bao nhiêu viên đá lão nhặt về là bấy nhiêu lần lão bị hắt hủi, chửi rủa. Lão chấp nhận, và lấy làm vui vì mình đã gây nghiệp ác ở ngay cõi này, nên giờ phải chuốc lấy để trả nợ đời, lão thấm thía: “nhẽ đời bắt tao trả nợ hay sao ý mày ạ. Cũng phải thôi, có nhẽ tao sát sinh nhiều quá…giết người, giết chó…giết nhiều chó quá nên nó oán”; lão day dứt ám ảnh, từ đó biến thành một “tâm sự lớn” luôn quẩn vấn và cật vấn lão: “Trước thì cũng có bát ăn bát để…giờ thì đi ăn mày…Tao ngẫm ra mình đang phải giả nợ đấy mày ạ. Đến chết mà cũng không biết cái nợ của mình nhớn chừng nào”; “Thì ra ở đời khôn nhiều thì dại lắm. Mỗi lần mình bị chửi là một lần giả nợ”. Ám ảnh nhân quả trong lão ngày càng lớn “Tao chưa thể chết được bởi vì còn phải giả nợ. Mới được lưng xô đá…bao giờ mới được hai xô…sau này nếu tao chết thì lấy đá ấy mua thêm mấy cân xi măng làm cho tao cái bia nhá”. Lão đau khổ, thất vọng phiền não nếu hôm nào đếm đi đếm lại mà số đá mạt tương đương với số lần bị chửi kia ít quá, bao giờ mới đủ để kết thúc cuộc đời, khi sự già yếu đã kề bên. Chua chát và đắng đót cho một kiếp người “tấm bia ấy lại được làm bằng những viên đá mạt ghi dấu những lần bị người đời hắt hủi…tấm bia càng to càng nhẹ lòng vì nghĩ rằng mình đã trả được nhiều nợ cho đời”. Đây là cách sám hối ăn lăn sửa lỗi của lão, một kiểu “đoái công chuộc tội”, nhưng “công” nhặt đá của lão cũng chỉ nằm trong suy nghĩ thiển cận chủ quan của lão, mong vợi bớt nỗi khổ trong lòng về những điều mình đã gây ra. Đọc nhân vật lão Viên, tức lão ăn mày Chín Dúm, người đọc hẳn còn nhớ nhân vật lão Hạc trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nam Cao. Chỉ là thế cùng lực kiệt mà phải dứt lòng dứt ruột bán đi con chó, người bạn gần gặn nhất của lão lúc xế chiều mà lão thấy mình mắc một tội lỗi lớn, tội lừa đảo, tội lỡ đi lừa một con chó, và rồi lão chết trong thảm khốc, dữ dội bằng cái chết theo cách của một con chó ăn phải bả. Đó là một cách tự sám hối, tự hành xác, cách để trả nợ con chó mà lão tự cho rằng mình đã phản bội tình yêu thương quý mến của nó. Nhìn bề ngoài chết khổ chết sở thì thương tâm nhưng kì thực đó là một sự lựa chọn có chủ ý, trong lòng lão ra đi thanh thản. Nhân vật lão Chín Dúm trong truyện của Mai Tiến Nghị cũng có suy nghĩ tự sám hối và hành xác, kể từ khi bước vào con đường ăn xin khổ ải, lão nghiệm ra sự trả giá để trong lòng tìm về sự thanh thản, trong lời trăn trối trước khi chết, lão có mong ước cuối cùng là được “Đốt nhá…cả gio cả…đá…xuống s..ông nh…á…cho mát…”. Và rồi tác giả để cho câu chuyện kết thúc bằng cái chết khá thanh thản, như có phần bù đắp, như có phần siêu thoát “Tôi vuốt mắt cho lão. Thực ra làm lấy lệ bởi vì mắt ông lão đã nhắm(…) Đưa tay lên, tôi chợt thấy ta mình ươn ướt nước mắt nóng ấm”. Phật thường dạy “Phàm con người sống trong cuộc đời ai cũng phạm ít nhiều sai lầm. Vì vô minh (không sáng suốt) nếu không được rèn luyện tu tập, sai lầm có thể làm người khác đau khổ. Bởi mình không khéo trong hành động, trong nói năng nên đã gây đau khổ cho bạn bè, người thân, thậm chí cho cả người mình thương yêu bị tổn thương (theo đạo Phật gọi là tạo bất thiện nghiệp do (thân, khẩu, ý) gây nên). Chính vì vậy khi hồi suy lại, chúng ta muốn được trong sạch thảnh thơi, muốn dứt bỏ được lỗi lầm, thì tất nhiên ta phải tìm phương pháp để tẩy trừ cho hết tội lỗi. Trong đạo Phật, phương pháp tẩy trừ ấy gọi là sám hối” (Ý nghĩa của việc Sám hối trong đạo Phật – Nguyễn Đức Sinh trong Vuonhoaphatgiao.com). Theo cách lão Chín Dúm làm thì đó là phương pháp sám hối để “tẩy trừ cho hết tội lỗi” của mình. Nhân quả cũng không phải là cố định, gieo nhân lành gặt quả tốt. Khi đã phải gặt quả ác, quả xấu, vẫn có thể sửa bằng cách tự sám hối để tạo nhân lành, nhân đẹp. Cách ứng xử của nhân vật Chín Dúm là một bài học như vậy. Tự sám hối và tự hành xác, đi hết kiếp ăn mày mới có được sự thanh thản lúc ra đi, tìm nhân mới ở kiếp khác. Giọt nước mắt ấm nóng cuối cùng lúc nhắm mắt ấy đã thấu trời xanh đưa lão về miền cực lạc, đó là khát vọng nhân văn và niềm tin nhân quả nơi người viết.

Người xưa quan niệm cuộc đời “sinh kí, tử quy”, đọc truyện, người đọc không khỏi ám ảnh về kiếp người ngắn ngủi thoáng qua như ánh chớp, có rồi lại không, để rồi ta chợt giật mình tự hỏi ta đã làm gì, đã làm được gì, đã mất gì và phải trả giá ra sao? Trăn trở của thầy Nghĩa trong truyện vẫn còn văng vẳng: “Ô hay, đến người ăn mày mà cũng cần một ấm bia trên ngôi mộ của mình. Và tấm bia ấy lại được làm bằng những viên đá mạt ghi dấu những lần bị người đời hắt hủi… Tấm bia càng to càng nhẹ lòng vì nghĩ rằng mình đã trả được nhiều nợ cho đời”. Cuộc đời hẳn sẽ bớt được bao đau buồn nếu con người ta biết sám hối, biết thức tỉnh, biết dừng lại mà đi tiếp. “Số” hay “mệnh” dẫu chưa hẳn là hoàn toàn có thực nhưng nhân vi của mỗi người sẽ góp phần đáng kể cho một đường hướng ở con người. Bởi cái gọi là được hay mất, thành hay bại, có hay không… cũng chỉ là tương đối. Mai Tiến Nghị kể chuyện lúc nào cũng đáo để, góc cạnh đến tận cùng vấn đề. Truyện giàu chất triết lý nhân sinh cao đẹp, và đó hình như là phong cách của tác giả?

3. Con người gieo nhân lành, bảo toàn thiên lương

Bên cạnh con người hành động vô ý thức bị trả giá hoặc phạm phải lỗi lầm tự sám hối, tự hành xác để rửa tội, truyện ngắn của nhà văn Mai Tiến Nghị còn xây dựng thành công hình ảnh con người nhân ái, tự trọng, gieo nhân lành, bảo toàn thiên lương. Đó là hình ảnh những người thầy dạy học. Ông giáo trong truyện ngắn Thầy và Sư là con người từ tốn thiện tâm, nhân ái. Trước những lời trâm trọc, cả Sư lẫn vãi đều bức xúc, ông giáo khuyên “Nó trêu mà mình không tức thì nó mới sợ. Vậy là bà thua nó rồi”. Khi Sư cụ cảm ơn về việc thầy đã hết lòng giúp đỡ cô học trò mồ côi cha mẹ, thầy vẫn khiêm tốn thành thực, coi việc giúp đỡ người khác như bổn phận, trách nhiệm, như một lẽ tự nhiên “Nếu không phải con thì người khác cũng làm như vậy”. Là người “được tin tưởng”, lại cũng “am hiểu Phật pháp, biết cách ăn nói vận động, vô tư không tham lam” nên ông giáo được tín nhiệm bầu vào ban kiến thiết của chùa. Thầy nhiệt tình làm việc hết khả năng có thể nhưng cũng gặp phải bao nỗi nhiêu khê, thiên hạ xì xèo bàn tán, gán ghép thầy với sư. Thế rồi chứng kiến tận mắt những trớ trêu, bất bình diễn ra ngay nơi tôn nghiêm chùa miếu, lòng tự trọng, sự ám ảnh bản năng đã khiến thầy giáo chủ động rút lui khỏi ban kiến thiết như là cách buông bỏ giữ mình, lánh mình khỏi những bấn lụy nhớp nhơ để bảo toàn thiên lương. Tác giả đã tạo dựng chi tiết rất chân thực ở nhân vật thầy giáo, tuy đã ở tuổi hưu nhưng khi nhìn thấy“hai bắp chân tròn trắng rợi rợi” của ni sư – cô học trò của chính mình cách đó hơn hai mươi năm, đang lồ lộ thì“ không phải ông giáo không có những phút cảm thấy bức bối”; “ngẩn người” “rạo rực như bốc hỏa, máu trong người chảy giần giật”; “ám ảnh tâm trí cả trong giấc ngủ”. Người bình thường có thể sẽ rất dễ sa ngã nhưng để bảo toàn lòng tự trọng và thiên lương trong sáng, ông đã tìm cách rút lui khỏi ban kiến thiết“ông tự dặn lòng: phải buông bỏ, phải buông bỏ…Mình đã già, người ta đang tu hành”. Còn bất hạnh cho vị ni sư khi phải đối mặt với một Sư ông dâm đãng, hám sắc hám tiền, bài bạc ức hiếp, quấy nhiễu con đường tu tập đến nỗi cũng bỏ chùa mà đi. Truyện đã đặt các tuyến nhân vật trong thế đối lập giữa những con người chân chính với những kẻ bất chính, tà đạo thời ‘mạt pháp”. Đó là một chỉ dấu cảnh tỉnh cho mỗi người về cách tiết chế bản năng, lập hướng tu thân, biết trọng mình, giữ mình trước những cám dỗ, nhố nhăng, ô trọc của cuộc đời.

Nhân vật thầy giáo Nghĩa trong Nợ nhân gian cũng là một con người luôn sống trong chiêm nghiệm nghĩ suy, luôn biết cảm thông chia sẻ với người nghèo khổ cơ cầu. Xuất thân là bộ đội, sau đi dạy học, rồi từ thân phận thầy giáo, người hoàn toàn xa lạ, không máu mủ với kẻ ăn mày bỗng trở nên thân quen, luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu để chiêm nghiệm lẽ đời. Chính vì vậy, lão ăn mày Chín Dúm sống trong mặc cảm nghèo khó và tội lỗi đã coi thầy giáo Nghĩa như một người thân duy nhất, là chỗ cho lão trang trải nỗi lòng cùng những tâm sự uẩn khúc lúc cuối đời. Cho đến khi sắp từ giã cõi đời, lão vẫn phải chờ gặp cho bằng được thầy giáo Nghĩa để trăn trối, phó thác thì mới đành nhắm mắt ra đi. Hình ảnh thầy giáo Nghĩa bao dung nhân từ, đã gieo nhân lành, đáng là tấm gương sáng về lẽ ứng xử ở đời, nhất đối với những người nghèo khó quanh ta. Và hẳn nhiên cuộc sống quanh ta sẽ trở nên ấm áp hơn rất nhiều, nếu chúng ta biết thấu hiểu, biết cảm thông chia sẻ.

Truyện ngắn Trứng vỡ sẽ còn lưu lại mãi trong ta hình ảnh cô giáo Xuân tận tụy hết lòng vì học trò của mình. Điệp, một cô bé phải sống trong cảnh thiếu thốn tình cảm của mẹ, đã được cô gần gũi, dìu dắt như đứa con trong gia đình, bù đắp thiếu thốn bằng tình thương yêu, bao dung như của một người mẹ. Lẽ thuận, Điệp sẽ trưởng thành và báo đáp công ơn cô, hoặc chí ít cũng có thể trở thành con người không tệ. Nhưng sự sa sút trong Điệp ngày càng lớn, học hành chểnh mảng, đua đòi ăn chơi, ương bướng kể từ khi có sự nơi lỏng từ phía gia đình. Chỉ vì kiên trì nói trò không nghe, vì quá đỗi yêu thương, cô Xuân đã vụt chiếc thước vào mông Điệp rồi sau đó bị làm to chuyện, cô Xuân phải xin nghỉ hưu trước tuổi. Tình yêu nghề vẫn còn chảy mãi khiến cô “nghỉ việc rồi nhưng sáng nào cũng vội vàng chuẩn bị cặp sách lên lớp”. Lòng tự trọng khiến cô buồn và “thấm thía nỗi cay đắng của một nhà giáo mất nghề”. Không lâu sau, nghe tin Điệp bỏ học, cô sống trong nỗi dằn vặt “Tại mình mà nó bỏ học? Tôi dằn vặt nhiều lúc trong giấc mơ chập chờn lại hiện lên hình ảnh con bé mắt long lên giận dữ thẳng tay gạt cái thước…”. Mỗi lần nhìn Điệp, nhất là sau khi bỏ học theo chồng khi chưa đến tuổi cưới, bụng lùm lùm ngồi bán trứng ở chợ mà cô “thấy có cái gì nghèn nghẹn buốt buốt trong ngực”. Chồng chết, cái thai cũng đem phá, Điệp bị hắt hủi, ra chợ trần thân kiếm sống, thường xuyên đánh chửi nhau với mẹ chồng. Cô Xuân lại một lần nữa đưa tay ra giải thoát, đưa Điệp về nhà. Những ân tình sau trước của cô Xuân sẽ mãi là những ngọn lửa cứu vớt những tâm hồn sa ngã như Điệp. Còn cô “cứu một người phúc đẳng hà sa”. Đó cũng là một thứ nhân lành, hứa hẹn những quả đẹp dâng đời.

Có thể nói cả ba truyện ngắn Thầy và Sư, Nợ nhân gian, Trứng vỡ đều tập trung khắc họa những người thầy giàu nhân cách vị tha, bao dung, sống cao thượng, bảo toàn thiên lương ngay trong những hoàn cảnh nhiều thử thách nhất. Chính họ đã gieo những “nhân lành” để lan tỏa yêu thương, giúp mọi người có một niềm tin bất biến vào cái thiện, để rồi cái thiện ấy sẽ góp phần cải tạo những phần đời, những số phận; sửa sang những nhân xấu, nhân ác, hướng cuộc sống đến những điều tốt đẹp.

“Nhân quả” là một đạo lý chi phối vũ trụ nhân sinh, người tin nhân quả là người có đức tin sáng suốt lành mạnh, biết nhìn xa trông rộng, biết nhìn quả trước khi tạo nhân; không sống dựa vào định mệnh; không tin nhân quả mâu thuẫn, chỉ tin mình làm chủ đời mình; không chán nản và trách móc vô cớ trước những thất bại, trước những nghịch cảnh mà sáng suốt nhận định, tìm nguyên nhân của sự thất bại và nghịch cảnh để chế phục, làm lợi ích cho mình, cho người và cho xã hội. Sự đau khổ, phiền não của con người cũng bởi không hiểu hoặc thiếu đức tin nơi đạo lý nhân quả, vì vậy những truyện ngắn đầy tình huống bất ngờ, đầy chi tiết đặc sắc, giàu giá trị nghệ thuật, và mang đậm tư tưởng triết lý nhân quả của nhà văn Mai Tiến Nghị cho dù không phải là đề tài mới đặt ra trong văn học nhưng trong bối cảnh “lung lay chân lí và khủng hoảng niềm tin” thì những câu chuyện ăm ắp sự tình mà nhà văn đặt ra, vẫn còn đủ sức đánh thức lòng người trong bộn bề mưu sinh; đem lại an vui hạnh phúc cho chúng sinh trong cuộc đời vốn còn chứa đựng bao nỗi niềm truân chuyên, xô lệch.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.Mai Tiến Nghị, Nợ nhân gian (2014), tập truyện ngắn, NXB Hội Nhà văn.

2.Mai Tiến Nghị, Quý nhân (2017), tập truyện ngắn, NXB Hội Nhà văn.

3.Lê Văn Tấn, Nguyễn Văn Nhượng, Top Ten truyện ngắn Hay 2014 báo Văn nghệ: Một vài ghi nhận, (04/04/2015), Báo Văn nghệ số 14, Hội Nhà văn Việt Nam.

Bế mạc Trại sáng tác của Hội Văn học Nghệ thuật Lâm Đồng tại Nhà sáng tác Tam Đảo

Ngày 16/9/2020 tại Nhà sáng tác Tam Đảo đã diễn ra buổi bế mạc Trại sáng tác văn học nghệ thuật Lâm Đồng 2020. Trại sáng tác lần này do Hội văn học nghệ thuật Lâm Đồng và Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật phối hợp tổ chức.

Tham dự và điều hành buổi tổng kết, bế mạc có ông Huỳnh Văn Ngàn – Giám đốc; ông Trần Ngọc Khởi – Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật; ông Đỗ Quảng Chung – Giám đốc Nhà sáng tác Tam Đảo và toàn thể các văn nghệ sỹ dự trại.

bemaclamdongt9 2020

Trên cơ sở rà soát danh sách trên 50 Hội viên đăng ký dự trại sáng tác lần này, Hội VHNT Lâm Đồng đã đưa ra Quyết định cử 15 văn nghệ sỹ được coi là những tác giả tiêu biểu cho một số lĩnh vực về dự trại sáng tác từ ngày 03 đến ngày 17/9/2020 tại Nhà sáng tác Tam Đảo. Trong số đó có 11 tác giả thuộc lĩnh vực văn học, 03 tác giả thuộc lĩnh vực hội họa, nhiếp ảnh; 01 tác giả thuộc lĩnh vực âm nhạc. Sau 2 tuần tập trung làm việc một cách nghiêm túc, có kế hoạch, các hội viên dự Trại sáng tác đã có một kết quả có thể nói là rất thành công với 60 sáng tác trình làng. Có những tác phẩm mới được ra đời tại đây và cũng có những tác phẩm được chỉnh sửa, gọt giũa và hoàn thiện từ hình hài đã thai nghén từ trước đó cả một quá trình. 60 tác phẩm ra đời của Hội trại gồm: Truyện ngắn: 7; Bút ký, Hồi ký: 6; Tản văn: 3; Thơ: 23, đặc biệt là việc hoàn thiện một tập thơ gồm 80 bài sẵn sàng cho việc xuất bản tới đây nhân dịp mừng sinh nhật 80 tuổi của chính tác giả để ra mắt bạn đọc; Hội họa: 14 bức tranh phong cảnh và chân dung trên chất liệu acrylic; Nhiếp ảnh: 7…

Ông Phan Hữu Giản và ông Nguyễn Chí Long đã thay mặt toàn thể tác giả tham dự trại viết đã báo cáo tổng hợp kết quả trại. Bên cạnh sự nỗ lực làm việc không ngừng nghỉ của các văn nghệ sỹ còn có sự quan tâm, chăm sóc chu đáo ân cần của cán bộ, nhân viên Nhà sáng tác Tam Đảo đã giúp cho kỳ Trại sáng tác lần này thành công về mọi mặt.

Trong không gian mùa thu mát mẻ, xanh trong và quang cảnh tuyệt đẹp của Tam Đảo, trong bầu không khí say sưa sáng tạo các tác giả đã trình bày và giao lưu, công bố một số tác phẩm tiêu biểu của mình làm chương trình bế mạc trại sáng tác thêm dạt dào cảm xúc và ấn tượng.

Ông Huỳnh Văn Ngàn thay mặt lãnh đạo Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật  đã phát biểu biểu dương kết quả rất tích cực của hội trại và nhấn mạnh về sự gần gũi, tương đồng giữa Lâm Đồng và Vĩnh Phúc nơi có danh lam Đà Lạt và Tam Đảo, những địa danh mang trong mình cảnh quan tự nhiên xinh đẹp và ẩn chứa những kho tàng văn hóa dân gian là điểm đến của du khách cũng là nơi khơi gợi và tiếp sức năng lực sáng tạo cho văn nghệ sỹ. Lãnh đạo cũng bày tỏ niềm tin tưởng rằng bằng quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa các văn nghệ sỹ của Hội VHNT Lâm Đồng và Hội VHNT Vĩnh Phúc, sau chuyến công tác dự trại được giao lưu, chia sẻ và thâm nhập vào đời sống thực tế tại Vĩnh Phúc các tác giả sẽ còn cho ra đời nhiều hơn nữa những tác phẩm giá trị.

bemaclamdongt9 2020 1

KẾT QUẢ TRẠI SÁNG TÁC - HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT LÂM ĐỒNG
(03-17/9/2020)
STT Họ và tên văn nghệ sĩ Giới tính Dân tộc Số lượng tác phẩm Loại hình văn học nghệ thuật Tên tác phẩm  
   
   
   
1 Nguyễn Chí Long Nam Kinh 2 Văn học Truyện ngắn: Ngày trở về    
Truyện ngắn: Kiên trung trước bão tố    
2 Nguyễn Thượng Thiêm Nam Kinh 2 Văn học Truyện ngắn: Hạnh phúc giản dị    
Truyện ngắn: Hộ sanh đường    
3 Lương Nguyên Minh Nam Kinh 4 Mỹ thuật Phong cảnh Tam Đảo    
Tam Đảo một chiều thu    
Chân dung nhà thơ nữ    
Chân dung người đàn bà xa lạ    
4 Phan Hữu Giản Nam Kinh 1 Văn học Tập thơ    
5 Đỗ Thị Nguyệt Nữ Kinh 1 Văn học Truyện ngắn: Xuyến chi về bên mẹ    
6 Vi Quốc Hiệp Nam Kinh 10 Mỹ thuật Sương sớm Tam Đảo    
Núi đền Bà Chú Thượng Ngàn    
Hoa sen thu    
Hoa huệ trắng    
Biệt thự cổ    
Chân dung nhà thơ nữ 1(Thủy Tiên)    
Chân dung nhà thơ nữ 2(Thủy Tiên)    
Chân dung nữ nhà văn    
Chân dung thiếu nữ Tam Đảo 1    
Chân dung thiếu nữ Tam Đảo 2    
1 Âm nhạc Ca khúc: Mùa thu yêu    
7 Tạ Thị Ngọc Hiền Nữ Kinh 4 Văn học Thơ: Trường số 8 thân yêu    
Thơ: Thác Tam Đảo    
Thơ: Bầm ơi    
Hồi ký: Hành trình gieo trồng hạt giống đỏ    
8 Phạm Ngọc Thanh Nam Kinh 7 Nhiếp ảnh Thiếu nữ Hơ mông    
Duyên dáng Tam Đảo    
Niềm vui được mùa    
Đêm ở thị trấn Tam Đảo    
Ngóng trông    
Nhìn về Tây Thiên    
Kiến trúc độc đáo ở Tam Đảo    
9 Huỳnh Thanh Tâm Nam Kinh 4 Văn học Thơ: Biên ải Bắc nhìn từ cổng trời Tam Đảo    
Đêm lang thang phố    
Bồng bềnh Tam Đảo    
Ta bay như chim lạc    
10 Hoàng Thị Thanh Thủy Nữ Kinh 7 Văn học T.ngắn: Nghiêng bóng gánh đời    
Tản văn: Thu trên Tam Đảo    
Tản văn: Quê hương chở giấc mơ tôi    
Tản văn: Chợ quê    
Thơ: Trăng Tam Đảo    
Thơ: Núi rừng mênh mang    
Thơ: Mây Tam Đảo    
11 Nguyễn Thị Bé Nữ Kinh 4 Văn học Bút ký: Hành trình về cội nguồn    
Thơ: Về đây Tam Đảo    
Thơ: Đà Lạt - Tam Đảo    
Thơ: Hương núi    
12 Lê Phú Tiềm (Phú Đại Tiềm) Nam Kinh 4 Văn học Thơ: Thăm Vĩnh Yên    
Thơ: Chùa Vĩnh Yên    
Thơ: Đất nước như vầng trăng    
Thơ: Ngược miền nắng rải mật say    
13 Nguyễn Minh Thu Nam Kinh 2 Âm nhạc Hồn thiêng Tam Đảo    
Tam Đảo yêu thương    
14 Nguyễn Thị Phương Liên Nữ Kinh 4 Văn học Truyện ngắn: Trở về làng    
Thơ: Một chút Tam Đảo    
Thơ: Chùa Tam Đảo    
Thơ: Nói chuyện cùng trăng    
15 Dương Gia Lễ Nam Kinh 3 Văn học Ngẫu hứng miền Trung du - Tây Bắc    
Cảm hứng một chuyến đi    
Tự vấn    

HÀNH TRÌNH GIEO TRỒNG HẠT GIỐNG ĐỎ - Hồi ký của Tạ Thị Ngọc Hiền - Hội văn học nghệ thuật Lâm Đồng

Là một trong 11 văn nghệ sỹ thuộc Hội VHNT Tỉnh Lâm Đồng tham dự trại sáng tác Tam Đảo tháng 9 năm 2020, nữ văn nghệ sỹ Tạ thị Ngọc Hiền để lại một ấn tượng khá thú vị. Được biết, không chỉ viết văn, làm thơ, chị còn sáng tác nhạc. Ở lứa tuổi hoàng hôn 65 của chị, không có nhiều người thành thạo công nghệ thông tin, nắm bắt xu thế truyền thông đưa các tác phẩm của mình trên mạng xã hội như chị. Tạ Thị Ngọc Hiền trao đổi đầy hào hứng và dạt dào cảm xúc với các văn nghệ sỹ cùng đoàn cũng như với lãnh đạo Trung tâm Sáng tác VHNT và lãnh đạo Nhà Sáng Tác Tam Đảo trong Lễ Bế Mạc hội trại. Chị đọc thơ rồi say sưa hát với giọng hát khá trẻ, hiếm thấy ở lứa tuổi U 70 một số tác phẩm của mình đã được phổ biến trên kênh riêng của mình tại nền tảng Youtube. Bồi hồi xúc động, chị kể lại cảm xúc khi được tham gia dự trại lần này. Được ra Bắc, được quay trở lại mãnh đất đã nuôi dưỡng chị, cùng đồng đội Trường số 8, những “hạt giống đỏ” của miền Nam được đem gieo trên đất Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa. Có người đã trở thành anh hùng trong chiến đấu, cũng có người về lại miền Nam tiếp tục rèn luyện, học tập trở thành anh hùng lao động. Khi là học trò tại Trường số 8 được thầy cô đánh giá là một học sinh giỏi văn, hát hay. Trở lại miền Nam, chị không ngừng phấn đấu trở thành nhân tố tích cực trong lĩnh vực sáng tác VHNT của Tỉnh Lâm Đồng. Tại trại sáng tác Tam Đảo chị đã trình bày kết quả sáng tác của mình rất thành công với 3 thể loại nói trên. Theo tôi, Tạ thị Ngọc Hiền thực sự là người “chiến sỹ” đầy nội lực trên Mặt trận Văn hóa. Xin trân trong giới thiệu Hồi ký Hành trình gieo hạt giống đỏ của Nữ tác giả Tạ Thị Ngọc Hiền trong chùm tác phẩm được sáng tác tại Trại sáng tác Tam Đảo tháng 9 năm 2020.

HÀNH TRÌNH GIEO TRỒNG HẠT GIỐNG ĐỎ

Đã có hơn 48 năm tôi mới về lại Lập Thạch. Trường xưa giờ không còn nữa. Nỗi buồn len vào đâu đó trong góc nhỏ lòng tôi. Thầy Quyến nói- Sau khi học sinh ào cả về miền Nam, những mái nhà tranh, vách đất đương nhiên là không ai ở nữa. Thời gian gió lùa, tất cả trở thành hoang sơ. Chỉ còn sự tồn tại của những cây mít, cây trám…

           Ngày 5/9/2020, Tôi có dịp trở về thăm Lập Thạch-Vĩnh Phú sau 48 năm dài xa cách. Niềm mong ước gặp lại thầy cô trường Miền Nam số 8 xưa tưởng chỉ là mơ. Song, điều may mắn, thầy Hà văn Quyến-chủ nhiệm 7B vẫn còn mạnh khỏe. Với tôi, thầy như “hiện vật gốc” của Trường 8. Là chứng nhân cho thế hệ chúng tôi đã từng học tập trên miền Bắc thân yêu. Tôi và thầy Quyến bách bộ vào buổi sáng sớm trên chặng đường khá dài với đôi chân chăm đi bộ mỗi sáng của người thầy tuổi 82. Tôi và thầy cùng hồi ức…
           Năm 1972 và trước đó, nhiều đoàn người từ miền nam ra Bắc học, tôi cũng hành quân vượt Trường Sơn hơn 90 ngày gian khó và hiểm nguy đầy kỷ niệm. Chưa tung tăng được bao lâu thì ngày 6/4/1972, còi báo động réo vang thành phố Hà Nội. Chúng tôi bất ngờ với những “hầm trú ẩn” trên đường phố Hà Nội đã sẵn sàng bật nắp.
            Chúng tôi được đi sơ tán tại Thái Thụy - Thái Bình “quê hương năm tấn”. Sau 12 ngày đêm từ 12/12 đến 24/12/1972, giặc Mỹ tháo chạy, hối hả rút quân. Các đoàn sơ tán trở về trường. Ngày 30/12/1972, người đi đón chúng tôi trong đó có thầy Hà Văn Quyến, khi đó thầy 34 tuổi.
           Tấm bảng “TRƯỜNG MIỀN NAM SỐ 8 TỈNH VĨNH PHÚ” hiện ra giữa hai trụ xây. Là ấn tượng đầu tiên về ngôi trường trong tuổi niên thiếu tôi năm 72 ấy và người đàn ông phong độ, khuôn mặt phúc hậu từ nhà Ban giám hiệu cất trên chốc đồi, bước từng bước xuống bậc cấp, chào đón chúng tôi. Thầy Quyến giới thiệu- Đó là “bác ba Huỳnh Văn Vàng” - Hiệu trưởng Trường MN số 8
          Trên khoảng sân rộng, có cột cờ và lá cờ bay phất phới, chúng tôi được nghe “bác ba Vàng” phát biểu với giọng miền nam thật gần gũi:
         - Các cháu đã hoàn thành xuất sắc chặng vượt Trường Sơn muôn vàn gian khổ! Các cháu cũng vừa hoàn thành tốt việc xơ tán. Bây giờ, chúng ta chưa thể tập trung mà tiếp tục sơ tán mõng quân số vào nhà dân. Nhân dân Vĩnh Phú sẽ bảo vệ, che chở, đùm bọc các cháu vì các cháu là “Hạt giống đỏ” của đất nước!
          Một đoàn người bước ra cột cờ. Hiệu trưởng nói tiếp:
         - Và đây! Một số giáo viên từ miền nam ra, một các giáo viên của Tĩnh Vĩnh Phú, là những người sẽ đem những “hạt giống đỏ” gieo trên đất Bắc. Chúng ta hãy xác định, không bom đạn nào ngăn được quyết tâm “dạy tốt và học tốt” của thầy trò ta!
           Tôi không bao giờ quên những gương mặt các thầy cô đó là Hiệu phó Đỗ Đức Lập, Lê Ngọc Lập, Thầy Vịnh, thầy Quyến, thầy Vinh, thầy Hoạt, thầy Nông, thầy Phúc, thầy Nhuệ, Thầy Tùng, cô Kim Anh, Cô Lãm, cô Tư Ngà…và nhiều thầy cô nữa. Trang vở đầu tiên của tôi được mở ra là ý nghĩa của ba từ “Hạt giống đỏ” một niềm tự hào vô biên cho việc học tập sắp tới.
         Chúng tôi được khảo sát học lực để phân lớp. Nhà trường sẽ soạn giáo án sao cho “2 năm phải xong 3 lớp”, kết thúc cùng kỳ thi của Bộ giáo dục - là một thử thách đối với học sinh trường miền nam số 8.
          Tại Làng Núc Hạ, Đồng Bã, Đồng Thanh, Làng Hà, mỗi hộ dân sẽ nhận 1 hoặc 2 học sinh miền nam vào nhà. Lớp 5 được phân về làng Núc Hạ, tôi được ở chung trong nhà bầm Liên vì bầm chỉ có đứa con gái nhỏ, con trai của bầm đã đi Nam. Sáng sớm bầm và con gái mang cơm ra đồng ăn trưa. Buổi chiều, tôi bê cơm nhà bếp về ăn cùng mẹ. Phần cơm nhà bếp trường là 1 chén cơm và độn thêm một bánh bột mì. Mẹ Liên ăn phần cơm ấy và bới cho tôi cơm nóng trên bếp. Buổi sáng, trước khi ra đồng, mẹ luôn phần tôi một củ sắn hoặc khoai lang lùi tro thơm phức, mẹ bảo - Ăn đi! Mà lên lớp!
          Cuối năm 73, chúng tôi rời nhà dân trở về trường. Hình như không một lời cảm ơn mẹ.
          Khối cấp 2 ở “khu vườn mít”. Khối cấp 3 “ khu vườn Trám”. Những cây mít, cây trám trồng từ dạo sơ tán đến nay đã cao cao, hứa hẹn bóng mát phủ khắp khu vực vào mùa nắng tới. Thầy Hà văn Quyến được nhà trường phân công phụ trách khối 7.
          Khu vực ở của chúng tôi có một giòng nước chảy từ trên núi Tam Đảo xỏa xối xuống cái hồ. Miệng hồ há rộng, đá nhe nhọn lỗm chỗm như những chiếc răng nanh nên học sinh gọi là “Hàm rồng”. Giòng nước được khơi nguồn vào con mương đào dẫn từ Hàm rồng về, trong veo. Là “ranh giới” chia đôi dãy nhà nam và nữ. Sáng sớm, sau hồi kẻng, chúng tôi xếp hàng thể dục đối mặt nhau. Chiều chiều học sinh ra con mương tắm, giặt. Ngày chủ nhật, hàm rồng là hồ bơi lý tưởng của bọn con trai.
           Thầy Hà Văn Quyến từng đi bộ đội. Năm 62 xuất ngũ, chuyển ngành, thầy đi học sư phạm. Trước khi về trường số 8, thầy Quyến đã được bồi dưỡng qua chuyên môn dạy Hoc sinh miền nam do Cục 1 tổ chức.
           Học sinh lớp 7, ngưỡng tuổi như buổi “dậy thì”, dở con nít dở người lớn, tâm lý, thể chất luôn biến đổi. Thầy Quyến được phân công quản lý khối 7 không phải ngẫu nhiên mà có “quyết sách” của nhà trường. Thầy Quyến, không chỉ chịu trách nhiệm môn toán, mà là một thử thách vô cùng khó chưa từng có trong chuyên môn sư phạm. Việc dạy HSMN, thầy nói:
           - Phải vận dụng cách dạy cho từng em, nếu không muốn nói là “đối tượng” đặc biệt. Ý nghĩa của “Hạt giống Đỏ” nêu bật phạm trù chính trị chứ không chỉ là Xã hội học!
           Học sinh miền nam khác học sinh miền Bắc ở chỗ, một số các em là con, em của cán bộ đang công tác, chiến đấu ở miền Nam mà kẻ địch luôn rình rập truy tìm, các em phải ra Bắc học tập. Một số em đã vô chiến khu, đang công tác hoặc chiến đấu, lập thành tích cao được đưa ra Bắc học tập. Một số là “dũng sĩ diệt Mỹ” trong chiến đấu bị thương như trường hợp em Ngô văn Hồng - Đảng ủy viên của trường 8. Em Hồng từng tham gia “Tổ du kích anh hùng” thuộc xã Mỹ Lợi, huyện Cái bè, Tĩnh Mỹ Tho. Việc học của em Hồng vô cùng gian nan. Những mảnh đạn còn nằm trên da đầu, khuất sâu vào ngóc ngách của bộ não khiến Hồng lúc bình tâm, lúc điên loạn. Một số trường hợp nhiễm chất bột trắng khi vượt Trường Sơn khiến các em vui, buồn bất thường. Tuổi nhỏ, sớm xa vòng tay cha mẹ nên thầy cô luôn là chỗ dựa tinh thần cho các em khi tâm trạng thất thường.
            Thầy Quyến đôi khi rướm nước mắt, ôm ghì học sinh khi lên cơn đau đầu vô thức. Thầy từng ngồi thầm thì to nhỏ với học sinh trong bóng tối khi chúng nhớ nhà không chịu học bài. Có số em buồn, tìm rượu để uống với nhau rồi sinh cắp vặt như đêm khuya, bê cả ổ gà đang ấp của dân. Cắt béng quày chuối đang bói của dân. Việc học sinh miền nam nhổ mì, đào khoai, đẵn mía, bắt gà của dân khiến kẻ xấu tung tin “học sinh bị bỏ đói” là nỗi lo lắng của Đảng ủy nhà trường,
          Thầy Quyến hầu như không về với gia đình của mình trong thời gian dài mà ở lại với học sinh. Bóng thầy với chiếc xe đạp cọc cạch, đi quanh khối lớp trong đêm mưa rét mướt như bóng một ông bố cần mẫn mà tôi không thề quên khi về lại miền Nam. Nhất là tới kỳ kiểm tra học kỳ, thầy hết ở lớp này phụ đạo rồi qua lớp khác không hề ngơi nghỉ. Từ mái tóc xuống chiếc quần tây xanh, lúc nào cũng trắng toát bụi phấn. Thầy không hề trách cứ nặng lời mà chúng tôi ân hận khi gây việc sai quấy. Thầy Quyến quyết kéo trò về phía mình, mặc dù có những phen thầy phải đối mặt với nguy hiểm khi trực tiếp ngăn chặn các em manh động. Thầy quyết tâm tìm mọi phương pháp để kiến trò thích học.
          Thiếu tình cảm gia đình, thèm nghe tiếng chó sủa, gà cục tác. Ngày hè, chúng tôi tìm đến nhà thầy ở Xuân Hòa. Có lần bọn con gái chúng tôi kéo một lũ lên xe ba gác chạy chợ đến nhà thầy. Tuổi 17 ngu ngơ, không ý tứ, đói bụng kêu nhắng. Cô Hưng vợ thầy vội vã lo cơm. Một đĩa rau luộc, một bát nước mắm kho, cay xẻ, thơm phức, chúng tôi đánh sạch béng nồi cơm vẫn còn thòm thèm. Khi bê bát đi rửa mới thấy 4 đứa con của thầy mỗi đứa một củ khoai, chúng tôi nhìn nhau điếng cả ruột.
            Thầy Quyến từng gắn bó với khối 7 bằng trách nhiệm người giáo viên của nhân dân mà còn là người cha, người anh trong giai đoạn chúng tôi bơ vơ, thiếu thốn mọi bề. Không chỉ thầy, tấm lòng của các thầy, cô đối với học sinh chúng tôi ai cũng nhớ. Mỗi năm HSMN trường 2 và trường 8 đều có cuộc gặp mặt tại TPHCM. Chúng tôi ngồi lại, cùng nhau nhắc về thầy cô với những kỷ niệm khó quên, về tấm lòng người dân Núc Hạ, Đồng Bã, Làng Hà đã cưu mang một thời. Chúng tôi luôn tự hào vì mình là HSMN của tỉnh Vĩnh Phú.
         Tôi vô cùng biết ơn Hội VHNT Lâm Đồng và Hội VHNT Vĩnh Phú đã cho tôi một “chuyến sáng tác” về Tam Đảo để tôi có dịp mở rộng tầm mắt về một Vĩnh Phú vươn lên không ngờ. Cho tôi có cơ hội trả nghĩa với T8, với các thầy cô. Cảm ơn Đảng và chính quyền Tỉnh Vĩnh Phú, đã dày công chăm sóc “Hạt giống Đỏ” chúng tôi từ những năm còn chiến tranh đến ngày thống nhất. Trước phong cảnh hữu tình, núi non hùng vĩ, trước Đền đài Thần linh hiễn hách Tam Đảo Vĩnh Phú, tôi xin nói lời biết ơn sâu sắc.
          Người viết hồi ký cũng cần nói thêm, để xứng đáng với quê hương Vĩnh Phú nói riêng, với nhân dân miền Bắc nói chung, chúng tôi, HSMN, sau hòa bình đã sống và làm việc, tiếp tục cống hiến cho tổ quốc với tâm thế từng là HSMN được dạy dỗ trên đất Bắc XHCN. Không ít bạn đã trở thành anh hùng lao động, cán bộ xuất sắc trên mọi mặt trận. 

 

Trại sáng tác văn học nghệ thuật Nam Định 2020 tại Nha Trang

Ngày 14/9/2020 tại Nhà sáng tác Nha Trang đã tổ chức buổi bế mạc Trại sáng tác văn học nghệ thuật Nam Định 2020.

bemacnamdinht9 2020

Dự bế mạc có ông Nguyễn Công Thành - Chủ tịch Hội văn học nghệ thuật Nam Định; ông Vũ Xuân Dương – Phó chủ tịch Hội văn học nghệ thuật Nam Định; bà Đỗ Thị Mai Hương – Giám đốc Nhà sáng tác Nha Trang và toàn thể các văn nghệ sỹ dự trại.

Trại sáng tác Nam Định 2020 là kết quả của sự phối hợp tổ chức giữa Hội văn học nghệ thuật Nam Định và Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật. Các văn nghệ sỹ Nam Định đã có một khoảng thời gian để khám phá thiên nhiên và con người vùng đất Khánh Hoà, tăng thêm những tư liệu về cuộc sống, khả năng sáng tác của chính bản thân cũng như của các bạn đồng nghiệp cầm bút.

Trong thời gian dự trại sáng tác, đoàn đã tổ chức được nhiều đợt đi thực tế tại địa phương, nổi bật như chuyến thăm tượng đài Gạc Ma – Vòng tròn bất tử; có các buổi giao lưu, trao đổi tác phẩm, kinh nghiệm sáng tác với các văn nghệ sỹ địa phương. Cùng với đó là sự tự giác, đoàn kết, chủ động trao đổi học thuật của các văn nghệ sỹ đã tạo nên một kỳ trại sáng tác thành công. 52 tác phẩm gồm nhiều thể loại mang đậm dấu ấn cá nhân của từng tác giả được kết tinh, định hình từ cảm xúc sáng tạo nghệ thuật mà chuyến tham gia trại sáng tác mang lại.

Ông Vũ Xuân Dương – Phó chủ tịch Hội văn học nghệ thuật Nam Định đã có những lời cảm ơn chân thành gửi đến toàn thể cán bộ, nhân viên Nhà sáng tác Nha Trang vì sự tiếp đón ân cần, chu đáo, tạo mọi điều kiện về cơ sở vật chất, ăn nghỉ cũng như bảo đảm an toàn sức khoẻ của văn nghệ sỹ trong mùa dịch Covid-19.

Ông Nguyễn Công Thành – Chủ tịch Hội văn học nghệ thuật Nam Định cũng đã có bài phát biểu khen ngợi tinh thần làm việc của các văn nghệ sỹ, đồng thời có một số ý kiến đóng góp cho Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật nhằm nâng cao chất lượng cho các trại sáng tác.

Bà Đỗ Thị Mai Hương thay mặt cho Nhà sáng tác Nha Trang tiếp nhận các ý kiến của các văn nghệ sỹ. Bà chúc mừng các văn nghệ sỹ Nam Định đã có kỳ sáng tác thành công và mong muốn các tác phẩm sẽ sớm được xuất bản, đến với công chúng Nam Định cũng như cả nước.

bemacnamdinht9 2020 1

Trại sáng tác đã thu về 52 tác phẩm, bao gồm: Văn học: 15 tác phẩm, Âm nhạc: 2 tác phẩm, Mỹ thuật: 17 tác phẩm, Nhiếp ảnh: 15 tác phẩm, Múa: 1 tác phẩm, Sân khấu: 2 tác phẩm.

KẾT QUẢ TRẠI SÁNG TÁC - HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT NAM ĐỊNH                                        
(Từ ngày 05/6-14/9/2020)
STT Họ và tên                                        văn nghệ sĩ Dân tộc Giới tính Số lượng tác phẩm Loại hình văn học nghệ thuật Tên tác phẩm  
 
 
1 Nguyẫn Công Thành Kinh Nam 1 Văn học NCPB: Nhà thơ Trần Tế Xương - Một nhân cách văn hóa  
2 Vũ Xuân Dương Kinh Nam 4 Mỹ thuật Sông Quán Trường  
Cảng Hòn Rớ  
Vịnh san hô  
Chùa Long Sơn  
3 Nguyễn Văn Bổng Kinh Nam 1 Văn học Văn xuôi: Lão Hủi  
4 Phạm Hồng Loan Kinh Nữ 3 Văn học Về nghe biển gọi tên mình  
Người về từ địa ngục trần gian  
Huyền thoại giữa vạn trùng dương  
5 Ngô Xuân Thanh Kinh Nam 5 Văn học Thơ: Tôi yêu  
Thơ: Anh về  
Thơ: Ông trăng tròn trên biển  
Thơ: Nước dừa Nha Trang  
Thơ: Nợ  
6 Trần Thị Bích Liên Kinh Nữ 3 Văn học Dáng biển  
Gành đá đĩa  
Hòn Chồng và em  
7 Nguyễn Văn Nhượng Kinh Nam 1 Văn học NCPB: Triết lý nhân quả trong truyện ngắn của nhà văn Mai Tiến Nghị  
8 Trịnh Thị Nga Kinh Nữ 3 Văn học NCPB: Danh tướng Thái phó Nguyễn Súy  
NCPB: Danh tướng Nguyễn Biểu  
NCPB: Danh tướng Lư Cao Mang  
9 Đinh Hữu Tuyền Kinh Nam 4 Nhiếp ảnh Vòng tròn bất tử  
Cảng cá Vĩnh Tường  
Một góc Ghềnh Đá Đĩa  
Góc biển Phú Yên  
10 Vũ Tuấn Việt Kinh Nam 4 Mỹ thuật Sự biến chuyển  
Ven sông  
Nơi đảo San hô  
Chân dung một nhà văn  
11 Ninh Quốc Vụ Kinh Nam 3 Âm nhạc Đâu là có lỗi  
Một thời làm lính  
Cam Ranh nỗi nhớ  
12 Đặng Mai Anh Kinh Nam 1 Múa Biển đỏ  
13 Trần Trung Nghĩa Kinh Nam 1 Sân khấu Tiếng vọng ngàn xanh  
14 Trần Duy Cát Kinh Nam 4 Nhiếp ảnh Quà của biển  
Chung sức  
Hạnh phúc  
Bên biển Nha Trang  
15 Phạm Khải Hoàn Kinh Nam 1 Sân khấu Tìm lại chính mình  
16 Nguyễn Văn Quý Kinh Nam 4 Mỹ thuật Bên tây Cầu Thống  
Vịnh San hô Nha Trang  
Xóm Bóng  
Ven biển trước cửa  
17 Trần Văn Sản Kinh Nam 3 Nhiếp ảnh Ghềnh Đá Đĩa  
Làm chổi dừa  
Đá xếp tự nhiên  
18 Phan Thị An Ninh Kinh Nữ 2 Nhiếp ảnh Hòn Chồng  
Làng chài Phú Yên  
19 Trần Đình Khoa Kinh Nam 2 Nhiếp ảnh Hoàng hôn  
Một góc thành phố  
20 Nguyễn Phương Thảo Kinh Nữ 2 Mỹ thuật Đảo Ghềnh Đá Đĩa 1  
Đảo Ghềnh Đá Đĩa 2  
21 Mai Thanh Kinh Nam 1 Văn học Văn xuôi: Bài báo chưa đăng  

Chùm tác phẩm ảnh nghệ thuật - Hội nhiếp ảnh Hà Nội (P2)

Chùm ảnh nghệ thuật của hội viên Hội nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Nội - sáng tác tại Trại sáng tác ảnh nghệ thuật Đại Lải tháng 8/2020.

khatthuc phamtiendung
Khất thực - Phạm Tiến Dũng
 
logomhuongcanh phamtiendung
Lò gốm Hương Canh - Phạm Tiến Dũng
 
muusinhtrenhodailai phamtruongthi
Mưu sinh trên hồ Đại Lải - Phạm Trường Thi
 
phutgiailao dinhquangtien
Phút giải lao - Đinh Quang Tiến
 
muusinhtrensongcalo phamtruongthi
Mưu sinh trên sông Cà Lồ - Phạm Trường Thi
 
rungthongtamdao
Rừng thông Tam Đảo - Đỗ Thanh Uyên
 
sommaitrensongcalo dothanhuyen
Sớm mai trên sông Cà Lồ - Đỗ Thanh Uyên
 
thachangdoi tienbach
Thác hang dơi - Đỗ Thanh Uyên

Chùm tác phẩm ảnh nghệ thuật - Hội nhiếp ảnh Hà Nội (P1)

Chùm ảnh nghệ thuật của hội viên Hội nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Nội - sáng tác tại Trại sáng tác ảnh nghệ thuật Đại Lải tháng 8/2020.

baytrentamdao nguyendangminh

Bay trên Tam Đảo - Nguyễn Đăng Minh
 
bepluadantocsandiu nguyendangminh
Bếp lửa dân tộc Sán Dìu - Nguyễn Đăng Minh
 
binhminh tienbach
Bình minh - Tiến Bách
 
binhminhhodailai phamtiendung
Bình minh hồ Đại Lải - Phạm Tiến Dũng
 
buoisangbenhodailai phamtiendung
Buổi sáng bên hồ Đại Lải - Phạm Tiến Dũng
 
chamsocthongcaribe phamcongthang
Chăm sóc thông Caribe - Phạm Công Thắng
 
chieudailai nguyenthethanh
Chiều Đại Lải - Nguyễn Thị Thanh
 
chophien dinhquanhtien
Chợ Phiên - Đinh Quang Tiến
 
doibandantoccaolan nguyendangminh
Đôi bạn dân tộc Cao Lan - Nguyễn Đăng Minh
 
gomhuongcanhvaolo phamtruongthi
Gốm Hương Canh vào lò - Phạm Trường Thi
 
hoanghondailai nguyenthithanh
Hoàng hôn Đại Lải - Nguyễn Thị Thanh
 
hodailaichieubuong phamcongthang
Hồ Đại Lải chiều buông - Phạm Công Thắng

CHUYỆN TÌNH KHAU VAI – DƯỚI GÓC NHÌN VĂN HÓA - Lý luận phê bình của PGS.TS Trần Thị Việt Trung - Hội văn học nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam

Lý luận phê bình của PGS.TS Trần Thị Việt Trung - Hội văn học nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam – sáng tác tại Nhà sáng tác Đà Nẵng tháng 7/2020.

CHUYỆN TÌNH KHAU VAI – DƯỚI GÓC NHÌN VĂN HÓA

Tôi đã từng đọc truyện ngắn Chợ tình của nhà văn Tày – Cao Duy Sơn viết về Khau Vai với câu chuyện tình của một đôi bạn già (ông Sinh và bà Ếm) đã gần 80 tuổi mà vẫn cứ mỗi năm hồi hộp, đợi chờ mong ngóng… gặp nhau một lần dưới gốc cây sau sau già quen thuộc suốt mấy chục năm qua. Và tôi đã khóc trước vẻ đẹp của tình yêu, trước bi kịch của tình yêu, trước sức sống mãnh liệt không tuổi của tình yêu ở cái xứ xở vùng cao xanh thẳm, dữ dội mà lãng mạn, thấm đẫm tình người này. Tôi cũng đã đọc truyện ngắn Nước mắt Khau Vai của nhà văn Nguyễn Đức Hạnh (một người gắn bó lâu năm với miền núi) và cũng đã xúc động, xót xa, quặn thắt trước những mối tình dang dở của những người yêu nhau mà không lấy được nhau (bởi vô vàn những lý do khác nhau). Nước mắt của họ trong những lần gặp gỡ ở "Hội tình Khau Vai" – nếu tính cả trăm năm "thì đã đủ làm ngập cả vùng núi đá Khau Vai này rồi". Tôi cũng đã đọc khá nhiều bài thơ viết về chợ tình Khau Vai của các nhà thơ dân tộc thiểu số (và cả của các nhà thơ người Kinh nữa), trong đó có một bài thơ để lại trong tôi một ấn tượng sâu sắc – mà mỗi lần đọc lại vẫn cảm thấy "gai người", thấy nghẹt thở bởi những câu thơ đẫm nước mắt mà nóng bỏng, mà thiêu đốt cả trái tim: "Yêu nhau/ Trao hồn gửi vía cho nhau/ Dù không thành vợ thành chồng/ Nhưng hình bóng hai ta vẫn luôn ở trong nhau./ Em ơi!/ Yêu nhau không lấy được nhau/ Hẹn nhau đi chợ Khau Vai/ Mỗi năm ta gặp nhau một lần"! Ôi cái phiên chợ ấy – cái "Phiên chợ/ Như cái chảo thắng cố/ Nóng lên bao mối tình dang dở./ Phiên chợ/ Như cái thúng cỏ khô/ Chứa chất bao mối tình chờ đợi/ Phiên chợ như một cái địu hoa/ Mỗi năm chỉ nở một lần./ Mỗi năm chỉ nở một lần/ Mà cháy hồng cả trời đất/ Mà ướt đẫm cả một đời/ Khau Vai!". Đó là bài thơ viết về Khau Vai của nhà thơ dân tộc Giáy – Lò Ngân Sủn – một nhà thơ tình nổi tiếng của thơ ca dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại.

Thế nhưng, khi được đọc cuốn tiểu thuyết Chuyện tình Khau Vai của tác giả Nguyễn Thế Kỷ - tôi lại bị bất ngờ trước chính mình bởi sự xúc động mãnh liệt trước câu chuyện tình dang dở của đôi trai gái người Nùng và người Giáy trên mảnh đất vùng cao đầy thơ mộng và khắc nghiệt này; và bởi sự cuốn hút tới mức không thể dừng lại, bắt buộc phải đọc một mạch cho tới trang cuối cùng của cuốn sách. Vẫn là câu chuyện về một tình yêu dang dở của đôi trai gái miền núi; vẫn là chuyện mỗi năm hẹn gặp nhau một lần ở Khau Vai để tâm sự, xẻ chia… để vơi đi thương nhớ như một gánh nặng đè trĩu tâm hồn bóp nghẹt trái tim của mỗi kẻ tình nhân sau một năm không nhìn thấy mặt nhau, không nghe thấy tiếng nói của nhau… Thế nhưng, khi đọc cuốn tiểu thuyết này – tôi như đã nhận ra thêm nhiều ý nghĩa tiềm ẩn khác, đã phát hiện ra nhiều giá trị khác – ngoài ý nghĩa, giá trị ngợi ca, khẳng định vẻ đẹp đầy bi kịch của tình yêu, sự "bất tử" của tình yêu. Đó là cái gì vậy? là điều gì vậy mà khiến tôi bị ám ảnh, bị thôi thúc tìm hiểu và tìm câu trả lời khi tiếp cận cuốn sách này? Và cuối cùng, tôi cũng đã "nhận diện ra nó". Đó chính là: với cách tư duy của một nhà văn hóa, dưới góc nhìn và điểm nhìn văn hóa – tác giả Nguyễn Thế Kỷ đã viết về một tình yêu không trọn vẹn nhưng rất đẹp, rất mạnh mẽ, dữ dội, quyết liệt và đầy chất nhân văn, đậm bản sắc văn hóa tộc người – một cách chân thực, sâu sắc và cảm động. Chính vì vậy, đây không phải chỉ là một truyện viết về tình yêu đôi lứa đơn thuần, mà là một bức tranh sinh động về đời sống văn hóa tinh thần với những phong tục, tập quán, những nghi lễ, những cách suy nghĩ, những lối ứng xử mang nặng tính truyền thống ở cả hai mặt tích cực và tiêu cực của những con người miền núi trong các mối quan hệ: gia đình, gia tộc và cộng đồng của mình! Bên cạnh đó là bức tranh về thiên nhiên hùng vĩ xinh đẹp, thơ mộng nhưng cũng đầy khắc nghiệt của vùng núi cao – môi trường sống của cộng đồng các dân tộc thiểu số Việt Nam ngàn năm qua. Trên cái phông nền văn hóa ấy, câu chuyện tình yêu của đôi "trai tài, gái sắc" – chàng Ba, nàng Út được hiện lên một cách sinh động, tự nhiên, chân thực tới mức như đang diễn ra trước mắt người đọc vậy.

Nàng Út là con gái duy nhất của vợ chồng Tộc trưởng Vương Vần Sáng (dân tộc Giáy) ở bản Ma Lé. Trong một lần đi chợ phiên đã gặp và yêu tha thiết một chàng trai dân tộc Nùng, mồ côi cha, sống với mẹ ở bản Pải Lủng. Tuy nghèo nhưng chàng Ba lại có "vóc dáng như thanh niên con nhà giầu. Da trắng như da con gái, môi đỏ, miệng lúc nào cũng cười tươi rói, răng trắng tinh"(1), lại có sức khỏe hơn người "Mình Ba thường làm bằng hai ba người cộng lại"; vì thế dụng cụ lao động nào của Ba "cũng phải to hơn, dài hơn bình thường. Người ta rèn con dao phải mất hai ngày, riêng dao của Ba phải rèn ba, bốn ngày mới xong"(2). Đặc biệt, chàng Ba lại là người con trai rất mực hiếu thảo với mẹ, rất thương người sẵn sàng giúp đỡ người khác khi hoạn nạn (đã không quản nguy hiểm, hút máu độc từ vết rắn cắn trên chân của Út, cõng Út vượt núi, vượt suối… đưa về tận cổng bản Ma Lé…); rất tài hoa nữa (thổi sáo rất hay "tiếng sáo như có linh hồn, quyến rũ…"(3), thuộc nhiều bài hát dân ca Nùng…; và trên hết là chàng Ba đã yêu nàng Út với một tình yêu nồng cháy, quyết liệt, thủy chung nhất mực! Nhưng tình yêu của họ không được cả hai bên gia đình chấp nhận – bởi nhiều lý do. Trước hết, bởi họ thuộc 2 dân tộc khác nhau (Nùng và Giáy) mà cha của nàng Út lại là một Tộc trưởng chỉ có một người con gái duy nhất "thì cái thằng làm chồng nó sau này còn thay ông làm Tộc trưởng", vậy thì: càng "không thể có chuyện một thằng người Nùng làm tộc trưởng của người Giáy được"(4). Sau đó – còn một lý do sâu sa, tế nhị nữa là: Ba lại chính là con trai của người phụ nữ Nùng xinh đẹp – tình yêu duy nhất của ông "dữ dội như sấm sét, tưởng chừng như có thể đánh sập cả ngọn núi, vùi lấp cả vực sâu", nhưng "cuối cùng vẫn phải chịu thua một dòng họ, một tộc người, một luật tục, một nếp nhà"(5) – ông, bà buộc phải xa nhau và đã để lại trong nhau một nỗi đau, một vết thương ứa máu, không thể thành sẹo được – dù đã hơn 20 năm trôi qua. Vì thế, Tộc trưởng Vương Vần Sáng đã quyết định tổ chức "kén rể" cho con với hy vọng gả Út cho một chàng trai người Giáy chính gốc, con một gia đình quyền thế của vùng để "môn đăng hộ đối" đảm bảo cho sự truyền chức Tộc trưởng dòng họ Vương sau này. Thế nhưng cái đêm trước ngày "kén rể" đó, nàng Út đã trốn qua cửa sổ, phi ngựa vượt núi, vượt suối sang bản Pải Lủng để tìm chàng Ba. Nàng Út xuất hiện ở nhà chàng Ba đúng vào lúc: Bà Liểng (mẹ Ba) vừa qua đời (bị ốm, bị sốt rất cao vì quá lo lắng, phiền muộn và đau khổ khi biết người con gái mà chàng Ba yêu, quyết lấy làm vợ - lại chính là con gái của kẻ đã phụ tình bà vì cái chức Tộc trưởng họ Vương bên bản Ma Lé của người Giáy). Nàng Út đã cùng chàng Ba phục tang bà Liểng như một người con dâu Nùng vậy. Tộc trưởng Vương Vần Sáng đã sai người bắt nàng Út về và quyết định gả nàng cho Cố Sầu – một "kẻ ăn người ở trong nhà", rất thô kệch, cục súc, nhưng trung thành với Tộc trưởng (như một con chó săn) lại có sức khỏe, và cơ bản là: "nó có thể thay ông gánh vác dòng tộc này. Để con gái bên cạnh nó thì dù có chết ông cũng yên tâm"(6) (cũng bởi tất cả đám con trai – con các gia đình quyền thế trong vùng đã… bỏ đi hết khi biết nàng Út đã "trốn nhà theo trai" ngay cái đêm trước ngày Tộc trưởng tổ chức kén chồng cho nàng). Nhưng đúng cái ngày đón dâu ấy thì nàng Út đã "biến mất", còn cô dâu trên lưng ngựa nhà Cố Sầu lại chính là Lả Nhinh – người em họ thân thiết của Nàng Út "đóng thế". Nàng Út và chàng Ba đã có những tháng ngày vô cùng hạnh phúc bên nhau trong ngôi nhà nhỏ ấm cúng giữa rừng sâu – một nơi rất xa hai bản Pải Lủng và Ma Lé. Trong khi đó, Cố Sầu bẽ bàng, tức tối, căm hận vì "bị lừa", bị mất vợ ngay trước mắt. Hắn dẫn người tới bản Pải Lủng, đốt nhà của chàng Ba, làm náo loạn cả bản Pải Lủng của người Nùng vốn xưa nay rất bình yên, ấm áp tình người. Hắn gây sự và đánh nhau với đoàn người Nùng sang bản Ma Lé để "nói chuyện phải trái" với nhà Tộc trưởng. Hắn như một con thú lên cơn điên, mỗi đêm sang bản Pải Lủng đốt một ngôi nhà của những người họ hàng với chàng Ba và dọa sẽ đốt hết cả làng nếu không đưa được Nàng Út trở về. Giữa hai làng: "ngọn lửa đã cháy quá lớn, cái vực giữa hai tộc người đã sâu tới mức không nhìn thấy đáy rồi. Lũ thanh niên hai bên bạc nhược vì mất ngủ, thức đêm mài dao, canh gác, suy kiệt vì đánh đấm. Người già chỉ biết khóc lóc và cầu khấn tổ tiên phù hộ"(7). Trong những ngày này, ở "ngôi nhà hạnh phúc" giữa rừng sâu, cả hai vợ chồng trẻ: Nàng Út và chàng Ba đều tự nhiên thấy rất nóng ruột, bồn chồn, khó chịu, mất ngủ,… và luôn có những giấc mơ thấy mẹ gọi trở về làng. Lả Nhinh đã chạy cả đêm vượt bao núi, bao rừng để tìm đến ngôi nhà của họ báo tin dữ. Vốn là những người giầu lòng nhân ái, yêu thương đến cả loài vật sống bên mình – nàng Út và chàng Ba quyết định quay trở về nhà, vì không muốn "một ngôi nhà nào nữa bị cháy", không muốn còn nghe thấy những "tiếng khóc than của người già, trẻ con, phụ nữ"(8) – cho dù tan nát trái tim, cho dù "linh hồn đã từ bỏ" khỏi thể xác của hai kẻ đã quá yêu nhau! Họ hẹn sẽ gặp lại nhau vào phiên chợ, ở chỗ lần đầu tiên họ gặp nhau – một lời hẹn định mệnh của đôi trai gái trước lúc chia ly. Nàng Út trở về nhà, đau khổ, ốm liệt giường hàng tháng trời; rồi khi "cái ốm tự đi", nàng trở nên câm lặng, sống như một cái xác không hồn. Cuộc đời làm vợ của Cố Sầu thực sự như một địa ngục đối với nàng. Điều khiến cho nàng "cố sống tiếp" – đó chính là "để chờ đợi mỗi năm một lần được gặp lại Ba ở đây"(9). Nhưng, cũng chỉ được gặp nhau một lần duy nhất, đến phiên chợ Khau Vai năm sau, Ba đã "chờ mãi, chờ mãi" mà không thấy Nàng Út đến! Nàng đã bỏ chàng "mà đi rồi", nàng đã "nhường sự sống cho đứa con bé bỏng" của nàng; nàng đã ra đi như một sự giải thoát tự nguyện khỏi cuộc hôn nhân "cưỡng bức", không tình yêu này! Nàng ra đi, "Trên miệng còn nguyên nụ cười tinh khôi như chưa hề trải qua bao đau khổ chất chồng"(10). Từ nay, cứ mỗi phiên chợ Khau Vai, "ở trên trời", nàng lại được nghe tiếng sáo của chàng; được nghe những bài hát dân ca Nùng ngọt ngào, thấm đẫm yêu thương của chàng; được gặp chàng trong "phiên chợ Tình của muôn đôi lứa yêu nhau mà không lấy được nhau, nhưng trái tim vẫn giành trọn cho nhau".

Nghẹn ngào và xúc động, nhưng khi gấp cuốn sách lại, người đọc lại không có cảm giác đau đớn, xót xa, trĩu nặng tâm tư như khi đọc những Truyện ngắn và các bài thơ trước đây, khi viết về đề tài Khau Vai của các tác giả khác. Một điều gì đó lớn hơn cả nỗi buồn của một tình yêu không trọn vẹn! Phải chăng, đó là vẻ đẹp của lòng nhân ái, của sự hy sinh, của lối ứng xử đầy chất nhân văn của những con người miền núi – những con người chân chất, thật thà, hồn nhiên, lãng mạn, nhưng cũng rất mãnh liệt, quyết liệt, không dễ dàng đầu hàng số phận, lùi bước trước khó khăn, thử thách. Nàng Út xinh đẹp, được nuông chiều từ tấm bé, nhưng lại là một người con gái giầu tình yêu thương (thương đến cả con vật (đàn chó con) khi chúng bị bắt mang đi bán ở chợ, nàng đã cho tiền người bán chó để người đó mang chó con về nhà cho chó mẹ nuôi lớn khôn hơn chút nữa). Vì thế, cho dù vì tình yêu – nàng Út đã dám "cãi lại cha mẹ", dám dẫn người yêu về tận nhà để thưa chuyện với bố mẹ; dám nửa đêm, vượt qua cửa sổ, phi ngựa vượt rừng, vượt suối đến nhà người yêu; dám "đánh tráo cô dâu" trong lễ cưới để trốn cùng người yêu đi tận vào rừng sâu để sống vợ chồng với nhau… Nhưng nàng Út lại cũng vì quá thương mẹ, thương cha, thương bao người dân vô tội của bản Pải Lủng ngày đêm sợ hãi, căng thẳng vì lo bị đập phá, giết hại, bị đốt nhà… bởi sự trả thù điên loạn của Cố Sầu – mà nàng đã phải quyết hy sinh tình yêu và hạnh phúc của cá nhân mình để đem lại sự bình yên cho bao người, đem lại hạnh phúc bé nhỏ cho người cha tội nghiệp, bất hạnh (suốt đời đau khổ vì không lấy được người mình yêu, suốt đời ân hận vì đã làm khổ cho một người không yêu mà phải lấy). Hành vi ấy, lối ứng xử đầy tính nhân văn, cao thượng ấy của Nàng Út khiến cho người đọc không chỉ xót thương nàng, mà còn rất cảm thông, yêu quí, kính trọng sự hy sinh đầy ý nghĩa của Nàng. Có lẽ vì thế chăng mà chàng Ba – từ chỗ: nỗi buồn đau thương nhớ người yêu như một quả núi "đè nặng, đè bẹp" cả trái tim và cơ thể chàng mỗi khi chàng đến chợ Khau Vai mà không gặp được nàng – đến chỗ: "lòng chàng đã thôi không còn nặng trĩu nữa", bởi chàng tin rằng: "Nàng ở trên trời cao" đã luôn nhìn thấy chàng, lòng chàng "như được sưởi ấm, như có một ngọn lửa vừa thắp lên"(11). Chàng đã hiểu và cảm nhận được thứ "tình yêu bất tử" của nàng giành cho chàng ở chính trong các đôi tình nhân đang quấn quýt bên nhau trong ngày Hội tình Khai Vai này.

Với cái kết không có mầu sắc u ám, đau thương, bế tắc ấy; Với cái nhìn dưới góc độ văn hóa (văn hóa ứng xử) – Chuyện tình Khau Vai thực sự không phải là câu chuyện về một bi kịch tình yêu, mà là một câu chuyện cảm động về một mối tình trong sáng, mãnh liệt đầy đắm say nhưng cũng đầy trắc trở - một mối tình dang dở nhưng rất đẹp của đôi trai gái vùng cao có nhân cách, có lối ứng xử văn hóa cao thượng, đáng trân trọng. Đồng thời đây cũng là một cách "giải mã" về một hiện tượng văn hóa, một phong tục mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, đậm bản sắc văn hóa dân tộc vùng cao (phía Bắc) – đó là "Chợ tình Khau Vai", phiên chợ đặc biệt được tổ chức hàng năm "vào ngày Hai bẩy tháng Ba… phiên chợ dành cho những người yêu nhau mà không thể đến được với nhau, nhưng không bao giờ quên nhau"(12). Và đây có lẽ cũng là một phát hiện mới từ một góc nhìn mới về ý nghĩa của phong tục đẹp mới được hình thành trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng các dân tộc vùng cao nơi đây của tác giả cuốn tiểu thuyết này!

Như trên chúng tôi đã khẳng định: một trong những điều quan trọng góp phần tạo nên nét đặc sắc trong cuốn tiểu thuyết viết về tình yêu của đôi trai gái vùng cao này chính là việc nhà văn đã đặt câu chuyện tình đó trên cái "phông nền" văn hóa đậm sắc mầu dân tộc miền núi. Đó là bức tranh thiên nhiên với mầu xanh của núi rừng, với dòng sông, con suối; với những nương ngô trên núi đá, những ruộng lúa dưới thung lũng, những vườn rau cải, những nương đỗ tương, những cơn gió lạnh buốt từ khe núi… và dòng Nho Quế như sợi chỉ trắng ngoằn nghoèo giữa biêng biếc những ngọn núi lô xô từ trên cao nhìn xuống… Đó chỉ có thể là khung cảnh thiên nhiên vùng núi cao phía Bắc, nơi sinh sống của bao tộc người thiểu số (người Hmông, người Dao, người Giáy, người Tày, người Nùng…). Trong môi trường thiên nhiên hùng vĩ, hoang dã, khoáng đạt, đầy thơ mộng nhưng cũng đầy hiểm nguy, thách thức đối với con người ấy – những tộc người vùng cao đã dựng làng, dựng bản, đã dựa vào thiên nhiên, chinh phục thiên nhiên và đã sống một cách hài hòa với thiên nhiên hùng vĩ, hoang dã và thơ mộng, đó. Cũng chính từ môi trường sống đặc biệt này, tính cách của những con người vùng cao cũng mang những nét đặc trưng riêng. Họ là những con người rất chất phác, thật thà, hồn nhiên, tự nhiên, ngay thẳng; Họ là những người rất khỏe mạnh, làm ruộng nương giỏi, săn bắn giỏi; nhưng đồng thời họ cũng là những người rất lãng mạn, tài hoa, mãnh liệt và quả cảm. Nắm bắt được bản chất, tính cách và tâm lý của những con người miền núi ấy, tác giả Nguyễn Thế Kỷ đã thể hiện một cách sinh động và đã rất thành công thế giới nhân vật trong cuốn tiểu thuyết của mình. Đó là các nhân vật thuộc các tầng lớp khác nhau, các dân tộc thiểu số khác nhau, có tính cách, có số phận, có những suy nghĩ, những hành động, những lối ứng xử khác nhau trong cuộc sống thường ngày với những hoàn cảnh, những sự kiện cụ thể. Ngoài hai nhân vật chính là nàng Út và chàng Ba, là một loạt các nhân vật khác mà nhân vật nào cũng có những tính cách riêng, không ai giống ai. Điều đó tạo nên một thế giới nhân vật phong phú, với những cá tính, những đặc điểm riêng, sinh động và hấp dẫn.

Nàng Út và chàng Ba là hai nhân vật chính mà tác giả Nguyễn Thế Kỷ đã giành nhiều tâm huyết để khắc họa tính cách và phẩm chất tốt đẹp của đôi "trai tài, gái đẹp" này. Họ đích thực là tinh hoa của núi rừng, của bản làng vùng cao, đặc biệt là nhân vật Nàng Út: Nàng "càng lớn càng xinh đẹp, vừa giống cha, vừa giống mẹ, vừa có cái dữ dội, quyết liệt của bố"(13). Nàng là người mạnh mẽ (thích cưỡi ngựa và cưỡi ngựa rất giỏi); Nàng "chẳng biết sợ cái gì bao giờ. Bóng đêm, ma quỉ, côn trung, rắn rết, hổ báo,… Dường như không có một nỗi sợ hãi nào có thể chạm được đến Út"(14). Nhưng người con gái mạnh mẽ ấy cũng lại là một người con rất tình cảm, rất yêu thương cha mẹ của mình (nàng yêu quí bố nhưng lại rất hay chống lại, cãi lại bố khi không đồng ý với những điều bố nàng nói hay làm; nàng rất thương người mẹ luôn buồn bã héo hon vì không được chồng yêu và nàng: "rất sợ những giọt nước mắt của mẹ". Nàng vui tươi, nhí nhảnh hồn nhiên, bạo dạn… nhưng cũng rất dễ xúc động, mủi lòng và rất hay thở dài – cái "kiểu thở dài rất là buồn"(15) – như là một dấu hiệu, "một điềm báo trước" cho số phận không suôn sẻ, cho những nỗi bất hạnh đang chờ đợi ở phía trước cuộc đời nàng. Nàng là người rất mạnh dạn, chủ động trong tình yêu, đấu tranh quyết liệt để bảo vệ tình yêu, để được sống chết cùng người mình yêu; nhưng nàng cũng là một người sống ý thức, có trách nhiệm với cộng đồng, với những người thân yêu trong gia đình… nên đứng trước sự lựa chọn giữa tình yêu, hạnh phúc lứa đôi với sự khổ đau, bất hạnh vì bị "tan nhà, nát cửa" của bao người dân vô tội trong bản Pải Lủng, cùng với sự đau đớn đến tê dại của người cha vì vừa mất vợ, lại mất con – nàng đã quyết định hy sinh tình yêu, hạnh phúc của mình để trở về nhà, chấp nhận làm vợ Cố Sầu, chấp nhận cái chết để "nhường sự sống" cho đứa con trai bé bỏng – niềm vui sống cuối cùng của người cha Tộc trưởng người Giáy đáng thương của mình. Có thể thấy, qua ngòi bút của tác giả cuốn tiểu thuyết, nhân vật nàng Út đã hiện lên thật rõ nét, sinh động – với những nét phẩm chất, tính cách mang đậm chất dân tộc và miền núi. Hình ảnh của Nàng đã để lại một ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc với những tình cảm đan xen: vừa yêu mến, vừa xót xa thương cảm; vừa tiếc nuối, vừa nể trọng… và đã tạo nên một sự ám ảnh khôn nguôi về thân phận của những người phụ nữ dân tộc thiểu số vùng cao dưới chế độ phong kiến, tộc quyền xưa.

Nhân vật Tộc trưởng cũng là một nhân vật khá đặc biệt và đa tính cách. Đó là một Tộc trưởng Vương Vần Tráng mạnh mẽ, quyền uy, giầu có nhất vùng nhưng lại là một người sống lạnh lùng, cô đơn, khép kín lòng mình, cả một đời đau khổ, ân hận vì đã làm cho hai người phụ nữ xinh đẹp nhất hai bản: Pải Lủng (của người Nùng) và Ma Lé (của người Giáy) phải đau đớn, phiền muộn, mòn mỏi và cuối cùng đều "bỏ ông mà đi" – bởi: một người được ông yêu tha thiết nhưng ông buộc phải từ bỏ, không thể lấy về làm vợ (vì ông không dám làm trái lời dạy của tổ tiên, dòng tộc khi lấy một người thuộc dân tộc khác); một người không được ông yêu nhưng lại được ông cưới về làm vợ bởi bà đã quá yêu ông và có khả năng sinh cho ông những người con dân tộc Giáy "thuần khiết", không có sự lai tạp giống nòi). Còn đối với nàng Út, người con gái duy nhất của ông – ông vừa rất yêu thương, chiều chuộng con, nhưng ông lại cũng vừa cứng rắn, sắt đá với con (kiên quyết không cho con lấy người con trai dân tộc Nùng dù rất thương con; đã ép gả con cho một người thô tục, cục súc, tàn nhẫn… nhưng lại là kẻ thân tín của mình… vì muốn đảm bảo cho cái chức Tộc trưởng họ Vương – dân tộc Giáy không rơi vào tay người con trai dân tộc Nùng…). Một nhân vật khác – nhân vật Cố Sầu cũng là một nhân vật có tính cách phức tạp. Vốn là "người ăn kẻ ở" thân tín của Tộc trưởng, Cố Sầu có tài, có sức mạnh – nhưng cái tài, cái sức mạnh ấy lại là của một "con thú dũng mãnh đã thành tinh"(16). Ban đầu, khi còn dưới trướng Tộc trưởng, Cố Sầu thu mình vào như một kẻ "trung thành tuyệt đối" với Tộc trưởng, nhưng khi "vận may tới tay" (được Tộc trưởng gả con gái cho); và nhất là khi bị Nàng Út bỏ trốn trong đám cưới – hắn đã hiện nguyên hình là một kẻ tàn ác, nhỏ nhen và phản phúc (hắn cùng bọn đàn em định sát hại Tộc trưởng để cướp xe chở bạc nhưng không thành). Đây là một nhân vật đáng ghét, nhưng cũng đáng thương trong tác phẩm này. Cố Sầu chính là một kiểu người xấu, người ác trong cộng đồng các dân tộc thiểu số vùng cao trong xã hội cũ.

Ngoài cảm hứng viết về thiên nhiên và con người vùng cao với những đặc điểm cùng những nét tính cách mang đậm chất dân tộc và miền núi, tác giả Nguyễn Thế Kỷ còn có cảm hứng viết về những phong tục tập quán cùng những nghi lễ quan trọng trong vòng đời của người dân tộc thiểu số (vùng phía Bắc Việt Nam). Miêu tả, phục dựng lại một cách sống động, chân thực những hoạt động văn hóa tinh thần (trong đó có cả những yếu tố văn hóa tâm linh) của cộng đồng các dân tộc thiểu số (ở đây là dân tộc Nùng và dân tộc Giáy) – đã chứng tỏ: Tác giả Nguyễn Thế Kỷ là một nhà văn có vốn hiểu biết khá sâu sắc, tường tận về bản sắc văn hóa tộc người vùng núi cao; đồng thời lại có sự yêu mến, trân trọng cùng niềm đam mê (nhất định) đối với việc nghiên cứu, tìm hiểu và tái hiện lại trong tác phẩm của mình những nét bản sắc văn hóa dân tộc đó.

Trong Tiểu thuyết Chuyện tình Khau Vai, theo thống kê của chúng tôi; đã có tới 10 lần xuất hiện những bài hát, tiếng hát dân ca (dân ca Nùng là chủ yếu) được cất lên từ tiếng hát của Nàng Út (trang 47, 70, 177,…); Từ trong lòng của chàng Ba (trang 236) trong tiếng sao của chàng Ba (trang 16). Trong văng vẳng từ khe sâu hay trong lòng đất cất lên (trang 14); Trong tiếng hát ru con của Mẹ chàng Ba (trang 40; Trong tiếng hát của em bé người Nùng đi chăn dê (trang 219); và trong điệu hát ngọt ngào, tha thiết… được cất lên từ chợ tình Khau Vai (trang 237)… Từng trong hoàn cảnh cụ thể, lời hát, giọng hát… được cất lên mang theo những trạng thái tình cảm khác nhau, những ý nghĩa khác nhau, thể hiện một cách đa dạng và sâu sắc thế giới tâm hồn, đời sống tình cảm… của những con người miền núi (rất chân thật, hồn nhiên… nhưng cũng rất tinh tế, lãng mạn và bay bổng). Trong cuốn tiểu thuyết của mình, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ cũng đã rất chú ý đến việc phản ánh các phong tục, tập tục, các nghi lễ mang đậm bản sắc văn hóa vùng cao của cộng đồng các dân tộc thiểu số nơi đây. Đó là phong tục cưới xin, ma chay của người Nùng, người Giá; là tập tục sinh nở, là những qui định trở thành những nguyên tắc trong đời sống văn hóa tinh thần của các dòng họ, dòng tộc… trong các bản, làng miền núi. Đặc biệt, tác giả đã mô tả khá rõ nét, sinh động và cụ thể phong tục cưới xin của người Giáy, khiến cho người đọc cảm nhận được (thậm chí như được chứng kiến) cảnh một đám cưới với những qui định, những bước thực hiện với những nghi lễ… mang đậm bản sắc tộc người như: Trang phục rực rỡ của cô dâu người Giáy với "tấm khăn to, vuông… đỏ rực… Cô dâu đi đến đâu như có đốm lửa cháy lên ở đấy"; và cô dâu "phải trùm tấm khăn đỏ ấy lên đầu từ lúc bước ra khỏi cửa buồng đến lúc về tận nhà chồng mới được mở ra"(17); cùng với đó là bộ quần áo cô dâu được dệt, thêu cầu kỳ, rực rỡ (trong cả hàng năm ròng); là "đôi giầy vải xanh thêu hoa đào" được cô dâu dùng để đi đường, nhưng "khi đến nhà chồng phải giấu đi, để đi chân đất lên nhà chồng. Đôi giầy cô dâu phải mang về nhà mẹ đẻ"(18); Cô dâu "đeo một chiếc gương trước ngực, một cái túi đựng hành tỏi và ôm theo một con gà trống" (bởi "theo các bà thím bảo: cái gương để đuổi tà ma. Hành tỏi để có nhiều con cái. Còn gà thì để dẫn đường…"(19). Nhà trai đón dâu bằng ngựa, con ngựa "được tết bờm thành những búi tóc lẫn với những dải vải xanh đỏ vàng. Yên ngựa cũng được phủ vải đỏ"(20). Trong đám cưới "lũ thanh niên trai gái thi nhau hát hò rộn ràng vui vẻ. Rượu rót tràn các chén. Lũ thanh niên nhà trai phải uống hết một dãy mấy chục bát rượu xếp đầy mặt bàn ngay từ đầu ngõ. Bà mối lại phải mang bao lì xì đến mừng tuổi hết lượt. Vẫn chưa xong, uống rượu rồi, lì xì rồi, còn phải hát nữa. Hát đến khi nào nhà gái cho vào mới được vào"(21)...

Có thể thấy, tác giả là một người có sự hiểu biết sâu sắc, cụ thể và có cảm hứng thực sự khi viết mô tả về các nghi lễ, nghi thức trong đám cưới của người dân tộc thiểu số (ở đây là dân tộc Giáy). Điều này đã góp phần tạo ra sự thú vị, sự mới lạ, sự hấp dẫn cho người đọc.

Tuy nhiên, dưới góc nhìn văn hóa (của một người có tầm văn hóa), tác giả Nguyễn Thế Kỷ không chỉ ca ngợi một chiều về những nét đẹp của văn hóa phong tục các dân tộc thiểu số - mà bên cạnh đó, tác giả cũng đã thể hiện khá rõ quan điểm phê phán và thái độ không đồng tình của mình đối với những tập tục mang tính hủ tục trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng cũng như của các dòng tộc trong các cộng đồng dân tộc đó. Bởi theo tác giả, chính những hủ tục đó nhiều khi đã trở thành nguyên nhân trực tiếp dẫn tới những khổ đau, bất hạnh, dẫn tới những bi kịch trong tình yêu cũng như trong hạnh phúc gia đình – nhất là đối với thân phận của những người phụ nữ dân tộc thiểu số. Cuộc đời đầy nỗi buồn đau, đầy cô đơn và cuối cùng là dẫn tới cái chết buồn thảm của bà Tộc trưởng (mẹ Nàng Út); Cuộc đời đầy nỗi hận, nỗi căm ghét nhưng vẫn luôn xót xa không thể nào quên được người yêu với mối tình đầu tiên "như một vết thương, đã lành rồi nhưng vẫn âm ỉ nhứng nhối bên trong vết sẹo"(22) của người phụ nữ Nùng xinh đẹp cùng với cái chết tức tưởi trong "cơn sốt đã thiêu đốt những hơi thở cuối cùng của bà" – khi biết được một sự thật phũ phàng: Con trai của bà đã đem lòng yêu và quyết lấy con gái của kẻ đã bỏ bà mà đi chỉ bởi như những suy nghĩ ở trong ông: không thể "cứ thương nhau là lấy nhau rồi pha tạp dòng máu bao đời. Thì mai này, làm gì còn giống Giáy hay Nùng" nữa; "Con ma trong nhà, mỗi sắc tộc mỗi riêng. Từ ngàn đời nay vạn vật vẫn như thế mà trường tồn. Nay làm trái lệ ắt là khởi đầu cho thảm họa"(23). Cũng chính xuất phát từ cái tập tục mang tính hủ tục đó đã khiến cho bản thân ông Tộc trưởng cũng phải gánh chịu nỗi bất hạnh khủng khiếp: cả hai người đàn bà yêu ông đều "đã bỏ ông đi" vĩnh viễn; con gái ông cũng phải từ bỏ hạnh phúc lứa đôi để sống trong "địa ngục gia đình" với một kẻ thô tục, xấu xa, và cũng "từ bỏ ông" ra đi mãi mãi! Ông trở thành nạn nhân của chính mình, của cái tập tục mà ông quyết khư khư giữ lấy đến cùng.

Có thể thấy – đây là một thái độ, một quan điểm đúng đắn, vừa mang ý nghĩa phê phán, vừa giầu tính nhân đạo của tác giả cuốn tiểu thuyết này.

Có một điểm nữa mà chúng tôi không thể không nhắc đến khi tiếp cận cuốn tiểu thuyết này. Đó là đặc điểm ngôn ngữ nghệ thuật của tác giả. Có lẽ - do là một nhà ngôn ngữ học – mà ngôn ngữ nghệ thuật trong tác phẩm Chuyện tình Khau Vai của tác giả Nguyễn Thế Kỷ mang những đặc điểm riêng với một phong cách riêng: Trước hết, dễ nhận thấy – đó là một thứ ngôn ngữ ngắn gọn, giầu sức gợi (hơn sức tả); vì thế ít có những câu văn dài, những đoạn tả lê thê với giọng điệu lâm ly, thống thiết (cho dù đây là một câu chuyện tình dang dowr đầy nỗi buồn). Trong tác phẩm xuất hiện nhiều đoạn đối thoại, lời đối thoại ngắn, gọn, diễn đạt đúng với cách nghĩ, cách cảm, và cách nói của người dân tộc thiểu số với nhau (không có độ khéo léo, cầu kỳ, văn hoa trong cách diễn đạt). Điều thú vị là: tác giả đã sử dụng những từ ngữ, những hình ảnh, những cách nói… rất phù hợp với lối tư duy, lối diễn đạt của người miền núi, nhưng lại không sa vào cách nói "bắt chước" (hay còn gọi là "nhại tiếng") người dân tộc thiểu số. Tác giả không dùng các từ như: "lố, lá, zầy, zà, A lúi, cái tao, cái mày,…" (như một số tác giả người Kinh khi viết về người dân tộc thiểu số) – mà ngôn ngữ nghệ thuật của nhà văn trong tác phẩm vẫn rất đậm sắc mầu dân tộc, miền núi, thể hiện rất rõ tâm hồn, tính cách, cách cảm và lối nghĩ, lối nói của người dân tộc thiểu số. Ví dụ như một số đoạn văn sau chẳng hạn:

- "Cậu phải cởi dây buộc trong này đi, thì mới sống tiếp được. Vừa nói ông vừa chỉ tay vào bụng Ba. Ba không nhìn ông khẽ nói: - Ông có nhìn thấy gì đâu mà lại bầy cho tôi phải làm gì. Ông già: - Nghe tiếng sao thì biết thôi"(24);

- "Nỗi buồn đang trú ngụ trong cơ thể Ba. Nếu cố gắng thì cũng có thể cất nó đi, nhưng thường thì nó luôn thức, ngay cả khi Ba ngủ. Khi Ba thức, nó ở trên đỉnh đầu, khi Ba ngủ, nó ở ngay trên ngực. Nó đè bẹp Ba xuống sàn, nó khiến Ba mỏng dính đi, mỏng tới mức có thể trải rộng ra như một tấm chăn. Một tấm chăn cũ, lạnh lẽo, thủng vài chỗ…"(25).

- "Lòng dạ Út từ khi có Ba, lúc nào cũng tưng bừng như một con chim vừa biết bay nên luôn tìm lý do để bay mải miết vào bầu trời xanh biếc"(26).

- "Hôm nay, Cố Sầu tao tuyên bố, không tìm thấy vợ không làm người, không giết được thằng Nùng kia không làm người"(27).

- "Mày đi tìm vợ, tìm thấy thì mang về, không thấy thì đi tìm chỗ khác. Vợ mày nó có chân nó tự chạy, đâu phải người ta bắt mang đi…"(28).

Có thể thấy rõ: ngôn ngữ nghệ thuật của nhà văn đã góp phần không nhỏ vào việc khắc họa thành công bức tranh thiên nhiên, bức tranh về cuộc sống con người dân tộc miền núi, vừa chân thực, giản dị, vừa sống động; vừa giầu tính hiện thực, vừa giầu chất nhân văn.

Viết về đề tài dân tộc và miền núi không phải là điều mới mẻ đối với các nhà văn người dân tộc Kinh. Mỗi một tác giả - với mỗi góc nhìn khác nhau, với những cảm hứng khác nhau – các nhà văn dân tộc Kinh đã có những đóng góp không nhỏ (bên cạnh các nhà văn người dân tộc thiểu số) vào sự phát triển ngày càng đa dạng, phong phú hơn bộ phận văn học đặc biệt, đậm bản sắc văn hóa tộc người này trong đời sống văn học nước nhà thời kỳ hiện đại và hội nhập hiện nay. Với tiểu thuyết Chuyện tình Khau Vai, tác giả Nguyễn Thế Kỷ - dưới góc nhìn văn hóa đã đem đến cho chúng ta một tác phẩm văn chương đẹp, giầu ý nghĩa, giầu bản sắc văn hóa dân tộc, và đã làm xúc động lòng người bởi những giá trị nhân văn sâu sắc được toát ra từ câu chuyện tình yêu của đôi trai gái người dân tộc thiểu số vùng cao này.

 


(1) Trang 36, Chuyện tình Khau Vai (Nguyễn Thế Kỷ), Nxb Văn học, 2019.

(2) Trang 37 (sách đã dẫn).

(3) Trang 16 (sách đã dẫn)

(4) Trang 77 (sách đã dẫn)

(5) Trang 118 (sách đã dẫn)

(6) Trang 169 (sách đã dẫn)

(7) Trang 195 (sách đã dẫn)

(8) Trang 200 (sách đã dẫn)

(9) Trang 223 (sách đã dẫn)

(10) Trang 231 (sách đã dẫn)

(11) Trang 236 (sách đã dẫn).

(12) Trang 237 (sách đã dẫn).

(13) Trang 59 (sách đã dẫn).

(14) Trang 73 (sách đã dẫn).

(15) Trang 70 (sách đã dẫn).

(16) Trang 129 (sách đã dẫn).

(17) Trang 152 (sách đã dẫn).

(18) Trang 153 (sách đã dẫn).

(19) Trang 154 (sách đã dẫn).

(20) Trang 155 (sách đã dẫn).

(21) Trang 153, 154 (sách đã dẫn).

(22) Trang 89 (sách đã dẫn).

(23) Trang 120, 121 (sách đã dẫn).

(24) Trang 16, 17 (sách đã dẫn).

(25) Trang 18 (sách đã dẫn).

(26) Trang 46 (sách đã dẫn).

(27) Trang 184 (sách đã dẫn).

(28) Trang 186 (sách đã dẫn).

Kế hoạch tổ chức các Trại sáng tác của Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật tại các Nhà sáng tác trong tháng 9/2020

Trong tháng 9/2020, Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật tổ chức các Trại sáng tác tại các Nhà sáng tác trực thuộc trung tâm.

DANH SÁCH CÁC TRẠI DIỄN RA TRONG THÁNG 9 NĂM 2020

STT Tên Hội VHNT Địa điểm Khai mạc Bế mạc
TRẠI THƯỜNG NIÊN
1 Hội văn học nghệ thuật Nam Định Nha Trang 05/09 14/09
2 Hội văn học nghệ thuật Lâm Đồng Tam Đảo 03/09 17/09
3 Hãng phim Hoạt hình Việt Nam Tam Đảo 24/09 08/10
4 Hội Nghệ sỹ sân khấu Hà Nội Đại Lải 03/09 17/09
5 Hội Văn học nghệ thuật Bình Định Đại Lải 19/09 03/10
TRẠI CHUYÊN SÂU
1 Nghệ sỹ nhân dân Huy Quang Nha Trang 16/09 30/09

I. Nhà sáng tác Tam Đảo:

1. DANH SÁCH HỘI VIÊN HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT LÂM ĐỒNG
DỰ TRẠI SÁNG TÁC TẠI NHÀ SÁNG TÁC TAM ĐẢO
(03/9/2020 - 17/9/2020)
(Quyết định số:195 /QĐ - TTHTSTVHNT ngày 18 tháng 8 năm 2020)
 

STT Họ và tên văn nghệ sỹ Giới tính Chuyên ngành Năm sinh Dân tộc
1 Nguyễn Chí Long Nam Văn học 1944 Kinh
2 Nguyễn Thượng Thiêm Nam Văn học 1949 Kinh
3 Lương Nguyên Minh Nam Mỹ thuật 1959 Kinh
4 Phan Hữu Giản Nam Văn học 1941 Kinh
5

Đỗ Thị Nguyệt

(Minh Nguyệt)

Nữ Văn học 1968 Kinh
6 Vi Quốc Hiệp Nam Mỹ thuật 1959 Tày
7 Tạ Thị Ngọc Hiền Nữ Văn học 1954 Kinh
8 Phạm Ngọc Thanh Nam Nhiếp ảnh 1960 Kinh
9 Huỳnh Thanh Tâm (Túy Tâm) Nam Văn học 1953 Kinh
10 Hoàng Thị Thanh Thủy (Thủy Tiên) Nữ Văn học 1969 Kinh
11 Nguyễn Thị Bé Nữ Văn học 1947 Kinh
12 Lê Phú Tiềm (Phú Đại Tiềm) Nam Văn học 1942 Kinh
13 Nguyễn Minh Thu Nam Âm nhạc 1981 Kinh
14 Nguyễn Thị Phương Liên Nữ Văn học 1953 Kinh
15 Dương Lễ Nam Văn học 1948 Kinh
 
2. DANH SÁCH HỘI VIÊN HỘI ĐIỆN ẢNH VIỆT NAM
VÀ CÔNG TY CỔ PHẦN HÃNG PHIM HOẠT HÌNH VIỆT NAM
DỰ TRẠI SÁNG TÁC TẠI NHÀ SÁNG TÁC TAM ĐẢO
(24/9/2020 - 08/10/2020)
(Quyết định số:182/QĐ - TTHTSTVHNT ngày 24 tháng 7 năm 2020)
STT Họ và tên văn nghệ sỹ Chuyên ngành Năm sinh Dân tộc Giới tính
1 Nguyễn Thị Thu Ngân Điện ảnh 1970 Kinh N
2 Đỗ Thị Mai Điện ảnh 1991 Kinh N
3 Dương Thị Phương Điện ảnh 1995 Kinh N
4 Trần Thị Thanh Tâm Điện ảnh 1996 Kinh N
5 Nguyễn Thị Phương Thảo Điện ảnh 1999 Kinh N
6 Nguyễn Hạnh Phước An Điện ảnh 1987 Kinh N
7 Đoàn Thị Trang Hương Điện ảnh 1990 Kinh N
8 Đinh Thùy Hương Điện ảnh 1982 Mường N
9 Trần Thị Hồng Yến Điện ảnh 1963 Kinh N
10 Tô Thanh Hà Điện ảnh 1999 Kinh N
11 Trần Kim Khôi Điện ảnh 1983 Kinh Nam
12 Dương Thị Bích Ngọc Điện ảnh 1981 Kinh N
13 Nguyễn Thị Khánh Ly Điện ảnh 1978 Kinh N
14 Bùi Thị Hoài Thu Điện ảnh 1976 Kinh N
15 Phạm Thị Thanh Hà Điện ảnh 1976 Kinh N

II. Nhà sáng tác Đại Lải:

1. DANH SÁCH HỘI VIÊN HỘI NGHỆ SĨ SÂN KHẤU HÀ NỘI
DỰ TRẠI SÁNG TÁC TẠI NHÀ SÁNG TÁC ĐẠI LẢI
(03/9-17/9/2020)
(Quyết định số:146/QĐ - TTHTSTVHNT ngày 02 tháng 6 năm 2020)
STT Họ và tên văn nghệ sỹ Giới tính Chuyên ngành Năm sinh Dân tộc
1 Nguyễn Ngọc Thụ Nam Sân khấu 1946 Kinh
2 Nguyễn Giang Phong Nam Sân khấu 1944 Kinh
3 Trịnh Quang Khanh Nam Sân khấu 1941 Kinh
4 Trần Trí Trắc Nam Sân khấu 1943 Kinh
5 Nguyễn Thị Lệ Dung Nữ Sân khấu 1948 Kinh
6 Phạm Thanh Liễu Nữ Sân khấu 1946 Kinh
7 Đỗ An Ninh Nam Sân khấu 1957 Kinh
8 Hoàng Thanh Du Nam Sân khấu 1960 Kinh
9 Nguyễn Hiếu Nam Sân khấu 1949 Kinh
10 Trần Chỉnh Nam Sân khấu 1953 Kinh
11 Nguyễn Thị Vân Kim Nữ Sân khấu 1948 Kinh
12 Phạm Hữu Huề Nam Sân khấu 1948 Kinh
13 Hoàng Đức Nhuận Nam Sân khấu 1945 Kinh
14 Lê Quý Hiền Nam Sân khấu 1953 Kinh
15 Nguyễn Đăng Tiến Nam Sân khấu 1952 Kinh

2. DANH SÁCH HỘI VIÊN NHÀ XUẤT BẢN QUÂN ĐỘI
DỰ TRẠI SÁNG TÁC TẠI NHÀ SÁNG TÁC ĐÀ LẠT
(05/9/2020 - 19/9/2020)
(Quyết định số:191/QĐ - TTHTSTVHNT ngày 29 tháng 7 năm 2020)
STT Họ và tên văn nghệ sỹ Giới tính Địa chỉ Năm sinh Dân tộc
1

Nguyễn Văn Hùng

(Xuân Hùng)

Nam Hà Nội 1981 Kinh
2 Nguyễn Thanh Hương Nam Lâm Đồng 1956 Kinh
3 Đặng Duy Lưu Nam Lâm Đồng 1963 Kinh
4 Nguyễn Thanh Hoàng Nam Bình Phước 1963 Kinh
5 Vương Thị Thu Thuỷ N Bình Phước 1963 Kinh
6 Hà Đình Cẩn Nam TP.HCM 1950 Kinh
7

Châu La Việt

(Lê Khánh Hoài)

Nam TP.HCM 1954 Kinh
8 Nguyễn Ngọc Mộc Nam TP.HCM 1954 Kinh
9

Trần Đăng Xuyền

(Trần Đăng Suyền)

Nam Hà Nội 1954 Kinh
10 Bùi Việt Thắng Nam Hà Nội 1956 Kinh
11 Hà Phạm Phú Nam Hà Nội 1957 Kinh
12

Phùng Phương Quý

(Phùng Đức Hùng)

Nam Tây Ninh 1964 Kinh
13 Hoàng Quý Nam Vũng Tàu 1950 Kinh
14 Phạm Vân Anh N Biên Phòng 1976 Kinh
15 Lữ Thị Mai N Báo Nhân dân 1988 Kinh

III. Nhà sáng tác Nha Trang:

1. DANH SÁCH VĂN NGHỆ SỸ ĐI SÁNG TÁC CHUYÊN SÂU
TẠI NHÀ SÁNG TÁC NHA TRANG
(16/09/2020 - 30/09/2020)
(Quyết định số 152 /QĐ – TTHTSTVHNT ngày 10 tháng 6 năm 2020)
 
STT Họ và tên văn nghệ sỹ Chuyên ngành Năm sinh Dân tộc
1 Nghệ sỹ nhân dân Huy Quang Văn học Kinh

2. DANH SÁCH HỘI VIÊN HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT NAM ĐỊNH
DỰ TRẠI SÁNG TÁC TẠI NHÀ SÁNG TÁC NHA TRANG
(05/9/2020 - 14/9/2020)
(Quyết định số:132/QĐ - TTHTSTVHNT ngày 25 tháng 5 năm 2020)
 
STT Họ và tên văn nghệ sỹ Giới tính Chuyên ngành Năm sinh Dân tộc
1 Nguyễn Công Thành Nam Văn học 1955 Kinh
2 Vũ Xuân Dương Nam Mỹ thuật 1956 Kinh
3 Nguyễn Văn Bổng Nam Văn học 1951 Kinh
4 Phạm Hồng Loan Nữ Văn học 1962 Kinh
5 Ngô Xuân Thanh Nam Văn học 1950 Kinh
6 Trần Thị Bích Liên Nữ Văn học 1956 Kinh
7 Nguyễn Văn Nhượng Nam Văn học 1980 Kinh
8 Trịnh Thị Nga Nữ Văn học 1964 Kinh
9 Đỗ Thanh Liêm Nam Mỹ thuật 1980 Kinh
10 Vũ Tuấn Việt Nam Mỹ thuật 1992 Kinh
11 Ninh Quốc Vụ Nam Âm nhạc - Múa 1947 Kinh
12 Mai Anh Nam Âm nhạc - Múa 1963 Kinh
13 Nguyễn Ngọc Quang Nam Nhiếp ảnh 1960 Kinh
14 Trần Duy Cát Nam Nhiếp ảnh 1953 Kinh
15 Phạm Khải Hoàn Nam Sân khấu 1949 Kinh
16 Vũ Quỳnh Lụa Nữ Sân khấu 1972 Kinh
17 Trần Văn Sản Nam Nhiếp ảnh 1963 Kinh
18 Phan Thị An Ninh Nữ Nhiếp ảnh 1971 Kinh
19 Trần Đình Khoa Nam Nhiếp ảnh 1973 Kinh
20 Nguyễn Phương Thảo Nữ Mỹ thuật 1995 Kinh
21 Mai Thanh Nam Văn học 1947 Kinh

Chùm thơ của Nông Thị Ngọc Hoà – Hội văn học nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam

Chùm thơ của Nông Thị Ngọc Hoà – Hội văn học nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam – sáng tác tại Nhà sáng tác Đà Nẵng tháng 7/2020

Rước vía mẹ Lúa
 
Ơi! Vía đẹp, vía lành, vía tươi, vía tốt
Vía chịu khó, tảo tần, vía chắc hạt, sai bông
Hãy về đây thật đủ, thật đông
Kiệu lúa thơm xin rước Vía về bản
 
Trải bốn mùa, quanh năm suốt tháng
Mặc nắng lửa, bão giông
Xin Mẹ Lúa linh thiêng Giáng hạ xuống đồng
Đem sữa ngọt kết thành hạt mẩy
 
Mồ hôi chúng con tan chảy
Mong lúa cười rực rỡ những sân phơi
 
Nhịp Đuống rộn ràng đánh thức ban mai
Vụ gối vụ kết thành mùa no ấm
Hạt lúa to như hạt gắm
Bông lúa dài như đuôi trâu
Để chúng con ăn đâu, làm đâu
Cũng không quên đường về bản
 
Vía linh thiêng, cho thuận mưa, vừa nắng
Xin Vía Mẹ nhập vào cụm Lúa to.

******

Bản mình treo cờ quanh năm
 
Từ độ cha mẹ cho ra ở riêng
Cho cái cuốc, con dao, hạt giống
Cho con mắt, bàn tay
Cho lá cờ làm vốn
 
Reo trước sân nhà
Đỏ như hoa chuối rừng
Đi đâu vẫn như thấy lá cờ đỏ thắm
Phấp phới tung bay
 
Bản mình định cư ở đây
Có đầy đủ điện, đường, trường, trạm
Gái trai xây tổ ấm
Những đứa trẻ sinh ra từ no, từ sướng
Theo cờ bay không sợ lạc đường
 
Những ai đi xa, những ai về gần
Có cờ đỏ sao vàng, không đọa vào đường xấu
Không ai bắt được vía dân bản mình đâu
 
Ai nhà có rể, ai nhà thêm dâu
Bố mẹ lại cho lá cờ làm vốn
Cứ thế, cứ thế, đời nối đời
Bản mình treo cờ quanh năm
Vải dẫu phai mà lòng người không sai khác

 

Subscribe to this RSS feed

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ - TRUNG TÂM HỖ TRỢ SÁNG TÁC VĂN HỌC NGHỆ THUÂT
Địa chỉ : 1A Hoa Lư, Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại : 04 39.745.763
Bản quyền thuộc về Trung tâm Hỗ trợ Sáng tác VHNT. Yêu cầu trích nguồn khi đăng tải nội dung từ trang web này