BÀI VIẾT MỚI

Minh Phương

Minh Phương

CHUYỆN TRONG NGÔI NHÀ HOANG - Truyện ngắn của Tạ Ngọc Dũng – Hội văn học nghệ thuật Tuyên Quang

Chùm truyện ngắn của Tạ Ngọc Dũng – Hội văn học nghệ thuật Tuyên Quang – sáng tác tại Nhà sáng tác Đà Nẵng tháng 6/2020

CHUYỆN TRONG NGÔI NHÀ HOANG

Gã lảo đảo đưa những bước thấp bước cao trên con đường làng. Men rượu nồng nặc phả ra từng hơi thở, bám quẩn quanh chiếc áo vắt trên vai. Mẹ kiếp, nóng thật!

Chầu thịt chó chiều nay, trước mặt đám đàn em đang say sưa đập chén vào nhau vì một phi vụ ăn hàng thắng đậm, lời tuyên bố của gã làm bọn chúng chưng hửng.

- Đây là quả chót, từ nay anh…giải nghệ.

Có thằng nghe vậy ứa nước mắt, vắng gã, đầu lĩnh của nhóm, bọn chúng biết sẽ gặp khó khăn.

Gã là một tay đạo chích khét tiếng vùng này, với môn tuyệt kỹ “ Bích hổ du tường’ nên không một ngôi nhà nào, tường cao hào sâu, kín đáo đến mấy, một khi lọt vào tầm ngắm của gã thì gia chủ hôm sau chỉ còn nước khóc mếu lên đồn công an. Những nhà chức trách cũng chịu vì gã làm rất kín, không để một sơ hở dù nhỏ nhặt nhất xảy ra.

Mấy thằng đàn em, chỉ là chân ôm đồ, cảnh giới, còn lâu mới đạt trình độ như gã. Cú chốt hạ này đủ cho gã có số vốn đi kiếm nghề khác đỡ nguy hiểm hơn.

Mảnh trăng non đầu tháng treo lơ lửng tít trên cao, trải chút ánh sáng mờ mờ xuống đường làng, vẫn đủ soi rọi cái bóng liêu xiêu đang cố bám theo gã, đôi lúc cơ hồ muốn dứt ra vì những cú đảo loạng choạng. Mùi phân trâu cùng hương cỏ dại ngai ngái trộn vào nhau, tiếng dế đồng nỉ non lúc to lúc nhỏ vọng vào đôi tai chưa đến nỗi mất phản xạ, lâu lắm rồi gã mới để ý, dù cuộc sống ngày trước luôn về đêm...

Chợt gã dừng lại.

Thật ra, gã không muốn dừng lại, không hiểu tại sao bàn chân không muốn bước.

Gã vạch quần, đứng mãi không ra nổi một giọt, vừa lúc nãy, trước khi ra khỏi quán, gã đã đái một bãi rõ to, bàng quang nhẹ tênh. Vậy đứng ở đây làm gì nhỉ? Nhẽ ngắm cảnh.

Ngó qua bờ rào cúc tần xen với râm bụt đang rung rinh dưới ánh trăng mờ ảo, gã thấy bên trong là một ngôi nhà, có vẻ khá giả. Quan trọng là cửa sổ đang mở. Chỉ một cái lách nhẹ nhàng, gã lọt vào trong.

Đột nhiên gã nhớ mình đã giải nghệ…từ chiều. Định quay ra, nhưng có gì đó tò mò, thôi thúc khiến gã không yên. Tặc lưỡi “ Thôi kệ, ngó tý cũng chẳng sao”. Kinh nghiệm cho thấy, nhà này không nuôi chó dữ, mà có thì chỉ một chút ở cái bọc con con giắt lưng quần, kể cả Becgie cũng nằm im sau vài giây.

Đang nhún mình định phi thân treo lên cánh cửa sổ, thì gã đi đến ngạc nhiên khác, cánh cửa chính cũng mở ra từ lúc nào.

Im phăng phắc.

Một mùi hương rất quen xông lên mũi, nhưng không nghĩ ra mùi gì, ngan ngát, dễ chịu, hơi ma mị.

Gã bị cuốn theo mùi hương đó, đi theo cửa chính vào. Căn phòng phòng rộng, ánh nến lập lòe. Theo phản xạ “ nghề nghiệp “ gã quét đôi mắt một vòng, không có gì đáng giá. Con mắt quen nhìn trong bóng tối gã khựng lại khi nhìn thấy cái giường, có một người đang nằm trên đó.

Một cô gái. Trên người không mảnh vải che thân.

***

Làng Cóc mở lễ hội linh đình. Người ta mổ cả trâu, bò, dê, lợn làm cỗ. Người các vùng lân cận đổ xô đến tham dự rất đông. Con đường làng bình thường vắng hiu hắt vậy mà chen chân không nổi. Nhiều nhất vẫn là các nam thanh nữ tú, tiếng xuýt xoa rộn ràng, lớp lớp đổ xô về đám kiệu với những chàng trai cô gái giả trang đang khênh đòn rước.

Hiền cố chen chân trong mớ hỗn độn, đông đảo ấy, cô nhủ thầm, hôm nay phải kiếm bằng được giải lụa Thánh Cô mang về.

Thánh Cô là ai mà khiến Hiền cùng nhiều người vất vả cầu xin vậy?

Chuyện xưa kể rằng, từ hồi lâu lắm rồi, làng có một cô gái xinh đẹp, nết na, mái tóc đen dài như suối, môi trầu đỏ thắm, nhưng chẳng may nàng bị dính một cái tật là bị…khèo tay. Chính vì dị tật ấy mà trai làng dù say mê đắm đuối, nhưng không chàng nào dám mang trầu cau đến ngỏ lời hôn ứơc với nàng. Tuổi cập kê qua nhanh, nàng vẫn thân cô đơn lẻ bóng thui thủi một mình, hàng ngày ra cái giếng làng ngỏ xuống trải tóc rồi nhìn vào bàn tay lại thở dài, lệ tuôn thành hàng xót xa.

Rồi nàng cũng tìm được một ý trung nhân, oái oăm thay, là một người đàn ông đã có vợ. Đây là một tội rất nặng. Theo theo tục lệ, nàng không thoát khỏi hình phạt cực kỳ tàn khốc : Cắt tóc, gọt đầu và bị lột quần áo trói bêu ra giữa làng. Nhiều kẻ rất muốn ngắm tấm thân nõn nà của nàng, bọn chúng hí hửng chờ đến lúc nàng được đem ra. Ngay tối hôm ấy, nàng cậy vách trốn ra khỏi nhà giam.

Thân gái liễu yếu đào tơ, biết đi đâu về đâu. Nàng ra sông trầm mình. Trước khi để Mẹ Sông ôm mình vào lòng, nàng ngửa cổ than vãn cho thân phận khiến trời đất cũng phải thương sầu, kéo mưa to gió lớn, sấm sét rực trời. Nàng buông lời nguyền đàn ông trong làng sẽ bị vô sinh, còn đàn bà có lấy trai làng khác chỉ đẻ ra quái thai.

Có lẽ, nàng chết vào giờ thiêng. Cho nên cứ hàng đêm, dân làng lại nghe tiếng than khóc ai oán dưới bờ sông vọng lên. Lời nguyền của nàng cũng hiệu nghiệm, người làng thưa thớt đi dần. Dân làng thấy vậy sợ quá bèn mời thầy cao tay về trấn yểm lại, pháp sư đến bờ sông, lẩm bẩm thần chú rồi lắc đầu “ vong linh này thiêng lắm, đã thành cô quả, không trừ được đâu. Chỉ có dân làng làm lễ cầu may cô thương tình, nguôi giận mới bớt đi nghiệp chướng cho làng được. “, rồi ông ứa nước mắt, thất khiếu chảy máu nằm tịch ngay tại chỗ.

Từ đó, làng dựng đền, thờ Thánh Cô, cứ mỗi năm lại làm lễ đúng ngày mất, cắt giải áo ra cho các nam nữ đến tuổi. Làng yên hẳn.

Hiền được người ta phát mảnh lụa màu hồng, có hai mầu, hồng và hồng sẫm, người con gái, con trai nào chưa chồng chưa vợ thì lấy màu hồng, còn ai đã qua một lần gia thất thì được màu hồng sẫm, màu từ áo Thánh Cô khi trầm mình.

Cô hoan hỉ. Hơn hai mươi tuổi, cũng xinh đẹp mặn mà chẳng kém ai nhưng cái duyên số long đong, tuy có rất nhiều người đưa mắt đến nhưng cái bến đậu của cô mãi chưa có con đò nào đến chống sào. “ mảnh cắt từ ngực áo ra là may lắm đó cháu, sẽ còn sinh cả con trai đầu lòng đấy nhé!” tiếng một bà sồn sồn thoáng qua tai.

Mải ngắm nghía. Hiền đã đi ra đường cái lúc nào. Cô không để ý, phía trước ngược lại, một chiếc xe ô tô tải đang chờ tới.

Hiền bị hất tung lên, cảm giác đau, rất đau nhưng nó qua nhanh lắm.

Cô thấy mình chui qua một đường hầm rất tối, rồi lơ lửng trên không trung, dưới chân, lễ hội làng Coc đang tấp nập, rộn ràng. Trước mặt cô, một người con gái ăn mặc xiêm y kiểu cổ xưa, màu hồng. Tay trái teo top. Ánh hào quang tỏa xung quanh, có hai cậu bé tóc trái đào đứng quạt, một hàng các cô gái váy áo lộng lẫy đằng sau. Đang ngồi trên kiệu nhìn cô cười nhân hậu.

“ Thánh Cô” Hiền thảng thốt kêu lên.

***

Gã trố mắt, dụi lấy dụi để, không tin vào nhãn quan của mình. Nhưng sự thực, trước mặt gã, nằm trên chiếc giường kia là một người con gái còn trẻ, rất trẻ, đang lõa thể ngủ say sưa.

Không phải đây là lần đầu tiên gã nhìn thấy thân thể phụ nữ. Những lần phi vụ “ đột vòm “ thu được lớn, gã vẫn tổ chức cho bọn lâu la đi cùng mình kiếm mấy cô cave để “ ăn mừng “, lúc không được cũng vậy, bọn gã lại xả xui. Tuy nhiên, các cô gái đó không thể có thân hình như người đang nằm đây, một cơ thể ĐẸP HOÀN HẢO toát lên sự hấp dẫn, níu kéo, thân hình ngọc ngà, nõn nà đó đang khêu gợi tính con đực trong người gã.

Không được, sự đột nhập trái phép cũng đã đủ đưa gã vào vòng lao lý rồi.

Men rượu làm gã khô cổ họng, dù yết hầu vẫn chạy lên chạy xuống đẩy nước miếng ừng ực.

Xung quanh không có lấy một bình nhỏ chứa nước.

Gã đi giật lùi ra cửa, định bụng chuồn êm và nhanh nhất. Ở lại đây thật nguy hiểm, có thể cô gái vừa ái ân với chồng. Anh ta quay lại bất cứ lúc nào. Đột nhiên mùi hương lạ lúc ban đầu ở đâu lại thoang thoảng tới vào mũi gã thật dễ chịu. Mùi gì nhỉ, rõ ràng quen lắm, mùi đàn bà ư? Không phải, nó đâu gây gây. Gã bị níu chân vì thứ mùi này.

Gã cũng nhận ra, căn phòng không có cửa thứ hai, và gã có lẽ là người thứ hai ở đây. Cô gái ở một mình, không có chồng con hoặc người tình nào hết, căn phòng không có vật dụng gì chứng minh điều đó, kể cả…quần áo của cô.

Nó hơi lạnh, một thứ khí lạnh làm nổi da gà phảng phất.

Chính cái lạnh làm gã sực tỉnh, nghiến răng quay gót. Đúng lúc lúc đó, cô gái cựa người, co một bàn chân lên. Cái tư thế đó khiến cơ thể cô nổi hết những bờ, những đường cong, in hình trên tấm Drap trắng, như bức tranh tuyệt tác khỏa thân của một họa sĩ, dù gã không bao giờ xem tranh.

Đầu óc gã lại u u, mê mê. Trong người có thứ gì cựa quậy liên hồi, bắt gã phải đòi hỏi đáp ứng cho nó. Gã muốn nhịn nhưng bụng dưới quặn lên, một thứ khác dồn về đòi phun trào “ Đừng - Cứ - Đừng - Cứ …” những lời thì thầm của chính gã thành một chuỗi liên tục phát tin hiệu trong não.

Đúng lúc đó, cô gái lại xoay người về phía gã, một chút đen nhờ nhờ lộ ra trong đám nền trắng, đôi gò bồng đảo tròn lẳn vồng hẳn lên.

Một tiếng thở dài nhẹ oán trách. Mà hình như, cô gái không phải đang ngủ, cô thức, đang sẵn sàng chờ gã cùng đi tới động tiên.

Chỉ một bước nhảy dài, gã đã đứng ngay cạnh giường.

Gã chấp nhận buông xuôi.

Thêm một cú nhún, gã đã trên giường, đổ ập vào người cô gái….

***

Đoán được suy nghĩ của Hiền. Thánh Cô chỉ tay xuống dưới. Hiền nhìn theo, hoảng hốt.

Phía dưới kia, rất xa nhưng cô vẫn nhìn thấy, một đám đông đang vây quanh người con gái nằm vắt trên đường. Chính là cô.

- “ Con…chết rồi sao ?” -Hiền nghẹn nghào hỏi.

- “ Đúng vậy, con đã rũ bỏ cuộc sống bụi trần”. tiếng Thánh như lụa mềm phảng phất ngang tai cô. “ Hãy đi với ta, ta chọn con đã lâu”

Hiền hoảng hốt. Mảnh vải hồng trong tay cô chợt tung ra bay phấp phơ theo gió.

- “ Con còn luyến tiếc lắm sao”. Thánh Cô lại hỏi.

Nước mắt lưng tròng, Hiền đau khổ khẽ gật đầu

Sao cô không luyến tiếc được. Cha mẹ, người thân, bè bạn, cuộc sống vui tươi cô đang trải qua cứ vùn vụt hiện trước mắt.

Thánh Cô mặt trầm xuống, bà suy nghĩ gì đó.

Giải lụa từ đâu bay lại, quanh quẩn quanh Hiền.

- “ Con người đã chết đi, không thể sống lại được nữa. Nhưng ta có thể dùng quyền năng giúp con một điều con muốn lần cuối.”

- “ Thánh Cô, con vẫn chưa biết đến một người đàn ông.”

- “ Được, ta trao cho con thần lực, kéo dài sự tồn tại thêm ba ngày nữa, con sẽ tồn tại như người trần vừa như người âm. Ta không thể dùng phép thuật giúp con, mà con phải tự làm điều ấy. Con đi đi, về với nhân gian. Đúng canh ba của ngày cuối, ta đón!”

- “ Con nhớ, không được bắt ép người nào, mà phải để người ta tự nguyện. Nếu không, con sẽ xuống đủ chín tầng địa ngục, ta không cứu được “. Tiếng Thánh Cô xa dần sau làn mây tía.

***

Gã gấp gáp, hối hả như những đợt sóng chồm lên hụp xuống vào người cô gái. Linh cảm chỉ chậm một nhịp thôi là gã đợt sóng sẽ tan vào khoảng không.

Chợt gã thấy phía dưới như lách vào một tảng băng, lạnh tê tái.

Hai bàn tay cô gái như hai gọng kìm mềm mại chụp vào vai, khiến gã không cựa ra được.

Nhưng rồi, có lẽ nhờ nhiệt lượng của gã, khe lạnh đó ấm dần. Người cô gái cũng tỏa nhiệt nóng rừng rực cùng mùi hương lạ làm gã đê mê, tiếp tục trào lên lặn xuống.

Thậm chí, gã còn rên ư ử

Con sóng cứ dâng cao, lên mãi. Chúng hòa vào nhau, xô sang hai bên, quay cuồng, chao đảo. Đời gã chưa bao giờ có cảm giác lạ như vậy.

Lạnh, gã rùng mình, một luồng khí lạnh buốt dọc theo thắt lưng chạy dọc xuống. Gã như con cá mắc cạn há mồm ngáp ngáp.

Trước khi gục xuống, gã vẫn nhận ra, dương khí của mình không dừng lại được, nó cứ tuôn trào.

Gã cũng nhận ra, mùi hương đó, không phải mùi phụ nữ hay mùi nước hoa, chính là mùi hương trầm. Định hét lên nhưng cổ họng bị tắc nghẹn.

Một luồng khí lạnh tiếp theo bao trùm. Màn tối sập xuống trước mắt , gã mê man.

***

“ Báo đơi, báo đơi. Tin khủng khiếp. Một vụ quật mồ hiếp xác vừa xảy ra đêm qua tại nghĩa địa làng…..Mua đê, báo mới đây!”

Mấy người đàn ông đang ngồi nhâm nhi ly cà phê góc phố tò mò, ngoắc chú bé bán báo lại. Xấp báo được bán hết nhanh chóng.

“ Sáng sớm nay, phát hiện ra một người đàn ông nằm ngất xiủ tại ngôi mộ mới chôn chiều hôm trước. Trong trạng thái không có gì trên người. Ngôi mộ bật nắp. Lạ lùng thay, dưới lòng huyệt trống trơn. Hiện người đàn ông đã được đưa về bệnh viện cấp cứu. Cơ quan điều tra đang cố gắng làm rõ vụ việc này!”

Người đàn ông đọc xong bực bội nèm tờ báo xuống mặt bàn, chửi đổng “ MK bọn lá cải, thế mà giật tít quật mồ hiếp xác!”

“ Có khi người chết chôn theo của, đây là thằng trộm tôi biết, hắn đào lên để lấy” Một người ngồi cạnh nói.

Không ai để ý. Trong bức ảnh trên tờ báo, cạnh người đàn ông đang nằm bên ngôi mộ toang hoác đỏ màu đất mới, có một tấm vải màu hồng...

MỘT GIẤC MƠ - Thơ của Nguyễn Đăng Thuyết – Hội Nhà văn Hà Nội

Thơ của Nguyễn Đăng Thuyết – Hội Nhà văn Hà Nội – sáng tác tại Nhà sáng tác Tam Đảo tháng 6/2020

MỘT GIẤC MƠ

Quá bốn mươi năm
Mày đến nhà tao
Không ba lô
Chân trần ...không mũ cối
Áo may ô
Quần bà bô quân đội
Vết đạn cày
Vệt máu đỏ sống lưng

Vòng tay ôm
Đứa tủi kẻ mừng
Mắt cay lệ
Còn loang mùi thuốc súng
Gặp lại tao
Mày e thèm làm nũng
Như ngày nào
Đỉnh chốt... sáu bẩy ba

Đến với tao
Mày ngồi bệt giữa nhà
Kêu khát nước
Thèm si rô ngày trước
Thèm lương khô
Thèm kẹo vồ kẹo bột
Tao bật cười
Mày đúng loại trẻ con

Rước mày xem
Vua Thục lầu son
Qua ngự cổng
Người ngăn không vào được
Áo cộc...quần đùi
Chân dừng bước
Cửa quan thần
Đau nhói...trái tim khô

Tiếng mõ loa
Bừng tỉnh giấc mơ
Hùng ơi!
Hùng ơi!
Sao mày đi nhanh vậy?
Cơm nước gì đâu
Nén nhang ...chưa kịp cháy
Mày đã lặn rồi
Về chốt
Sáu... bẩy... ba!!!

Chùm thơ của Nguyễn Khắc Khuê - Trích trong tập thơ "Quê hương & Nỗi nhớ"

Chùm thơ của Nguyễn Khắc Khuê – sáng tác tại Nhà sáng tác Tam Đảo tháng 6/2020

ĐẤT TRỜI PHƯƠNG NAM
 
Ta hướng về Phương Nam:
           Nơi tận cùng của Tổ Quốc!
           Mảnh đất vươn xa
           Theo dấu chân đi Khai hoang, lập ấp
           Xứ sở hoang sơ, bao thử thách can trường!
Tự hào thay: Bờ cõi thân thương!
           Đã hội tụ, mở đường cho Đất nước.
           Đất mũi Cà Mau, bao la rừng Đước
           Tôm cá tràn về, Tứ giác mênh mông
           Miệt vườn tốt tươi, vựa lúa rợp đồng
           Người và Đất – Một lòng son sắt.
Đất trời Phương Nam: Kiên cường, Bất khuất:
           Chinh phục Thiên nhiên, bền gan thử thách
           Chiếc gậy tầm vông – Hồn thiêng dân tộc
           Dáng đứng Bến Tre – Điểm mốc tầm cao
Ôi, Vinh quang! Mảnh đất đi đầu!
           Vì Tổ Quốc! Vì Dân giàu, nước mạnh!
Đất trời Phương Nam:
           Rồng thiêng cất cánh!
           Vang mãi trong lòng, hướng tới tương lai.
********
CẦN HIỂU THẤU NỖI ĐAU
 
Loài người từng hứng chịu
Bao dịch bệnh hiểm nguy
Không ai ngờ Vũ Hán
Để lọt dịch Covi
 
Dịch bùng phát thảm hoạ
Chẳng qua lũ Siêu vi!
Chúng mới đang biến hoá
Thế giới phải kiên trì.
 
Con người có lương tri!
Cần giao thương, hội nhập
Tạm thời phải cách ly
Tất cả vì Mọi nhà!
 
Công nghệ đã vươn xa
Tình người và tiến bộ
Sẽ kết nối Tài ba
Hy sinh và cống hiến
Mãi viết tiếp bài ca!
 
Trung Hoa đang dốc sức
Nhật – Mỹ cố vượt qua!
Châu Âu đang thử thách
Loài người cần Tầm xa!
 
Niềm tin với năng lực
Chung tay tìm lối ra
Những chiến công thầm lặng
Đang thúc dục Đời ta!
 
Ta vươn lên, vươn xa
Những thắng lợi ban đầu
Các thế hệ mai sau
Sẽ noi gương tiền bối:
           Mọi thử thách Toàn cầu
           Phải đồng lòng, Cống hiến
 
Niềm tin vô bờ bến!
Cần thấu hiểu nỗi đau:
           Không vượt qua Đại dịch
           Loài người sống ở đâu?
 
Gác đắn đo, ích kỷ
Thế giới sẽ mạnh giàu!

Bế mạc Trại sáng tác văn học nghệ thuật Hải Phòng 2020 tại Nha Trang

Sáng 04/7/2020, tại Nhà sáng tác Nha Trang, Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hải Phòng tổ chức bế mạc Trại sáng tác văn học nghệ thuật năm 2020.

Dự bế mạc có nhà văn Dương Thị Nhụn - Uỷ viên Thường vụ Hội Liên hiệp VHNT Hải Phòng - trưởng đoàn; bà Đỗ Thị Mai Hương - Giám đốc Nhà sáng tác Nha Trang và 15 văn nghệ sỹ Hải Phòng tham dự trại sáng tác.

Bà Dương Thị Nhụn đã thay mặt Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hải Phòng tổng kết Trại sáng tác. Nhờ vào sự lao động nghiêm túc và nhiệt tình, đồng thời có sự hỗ trợ lẫn nhau giữa các văn nghệ sỹ, trại sáng tác đã thu được những kết quả đáng khích lệ. Có 53 tác phẩm được hoàn thành với chất lượng tốt, trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Nhờ vào sự đa dạng như thế, các tác phẩm của trại sáng tác đã phản ánh được nhiều mặt cuộc sống xã hội, tiêu biểu như: biên đạo múa ballet đương đại Hoàng Lệ Thuỷ với kịch bản múa văn học CHUYẾN HÀNG RA ĐẢO; ĐẠI DƯƠNG; Kiến trúc sư Võ Quốc Thái với tác phẩm KHU DU LỊCH QUỐC TẾ DRAGON- ĐỒ SƠN-HẢI PHÒNG; Nhà văn Mai Hà với bài ký: CÓ HẸN VỚI CAO NGUYÊN ĐÁ; Nhà văn Dương Thị Nhụn với 2 truyện ngắn: CHỊ BỀN và ĐỔI ĐỜI; Nhà nghiên cứu dân gian Nguyễn Đức Giang với tác phẩm nghiên cứu: NHỮNG VẤN ĐỀ VỀ LỄ HỘI…

Các ý kiến của các văn nghệ sỹ tham gia Trại sáng tác đều rất ấn tượng với những vùng đất Nha Trang – Khánh Hoà. Người dân nơi đây yên bình và tin yêu cuộc sống. Cán bộ, nhân viên Nhà sáng tác là những người có năng lực đã làm rất tốt công việc của mình. Sự ấm áp, nhiệt tình chu đáo trong công việc của họ khiến các văn nghệ sỹ rất yên tâm sáng tác.

bemachaiphongt7 2020 

Bà Đỗ Thị Mai Hương cảm ơn sự hợp tác và chấp hành tốt nội quy trại sáng tác của các văn nghệ sỹ. Trại sáng tác thành công cũng là niềm vui lớn của toàn thể cán bộ, nhân viên Nhà sáng tác Nha Trang. Bà chúc các văn nghệ sỹ luôn mạnh khoẻ, các tác phẩm sớm được in ấn, xuất bản.

Kết thúc trại sáng tác thứ 4 được tổ chức tại Nhà sáng tác Nha Trang của Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật đã có 53 tác phẩm được hoàn thành, bao gồm các thể loại văn học, kiến trúc, sân khấu, mỹ thuật, nhiếp ảnh và nghiên cứu phê bình văn học.

Khai mạc Trại sáng tác văn học nghệ thuật Lai Châu 2020 tại Vũng Tàu

Ngày 01/7/2020 Nhà sáng tác Vũng Tàu đã phối hợp với Hội Văn học Nghệ thuật Lai Châu đã tổ chức khai mạc Trại sáng tác văn học nghệ thuật năm 2020.

khaimaclaichaut7 2020

Tham dự khai mạc có ông Vũ Thanh Phương - Ủy viên Ban chấp hành Hội văn học nghệ thuật Lai Châu – Trưởng đoàn; bà Đỗ Thị Thanh Thùy – Giám đốc Nhà sáng tác Vũng Tàu và toàn thể văn nghệ sỹ tham gia trại.

Tại buổi khai mạc ông Vũ Thanh Phương bày tỏ sự cám ơn chân thành sự hỗ trợ trong công tác tổ chức trại sáng tác của Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật cũng như sự đón tiếp chu đáo, nhiệt tình của lãnh đạo và nhân viên Nhà sáng tác Vũng Tàu. Ông nhắc nhở các văn nghệ sỹ trong thời gian dự trại cần làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, đảm bảo hoàn thành các đề cương đã đăng ký với Lãnh đạo Hội.

Bà Đỗ Thị Thanh Thùy thay mặt Nhà sáng tác Vũng Tàu chào mừng các văn nghệ sỹ Lai Châu đã đến dự trại tại Nhà sáng tác Vũng Tàu, hy vọng các văn nghệ sỹ tham gia sáng tác thu hoạch được nhiều tác phẩm chất lượng và có những lưu ý cần thiết để các văn nghệ sỹ đảm bảo sức khỏe, an toàn trong thời gian dự trại sáng tác.

Theo kế hoạch, Trại sáng tác sẽ diễn ra từ ngày 01/7/2020 đến hết ngày 15/7/2020 với sự tham dự của 15 văn nghệ sĩ là hội viên của Hội văn học nghệ thuật Lai Châu.

Khai mạc trại sáng tác văn học nghệ thuật Dân tộc thiểu số tại Đà Nẵng

Tiếp tục thực hiện kế hoạch công tác năm của Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật, ngày 02/7/2020 Nhà sáng tác Đà Nẵng đã phối hợp với Hội văn học nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam tổ chức khai mạc Trại sáng tác văn học nghệ thuật Dân tộc thiểu số năm 2020.

Dự khai mạc có ông Nông Quốc Bình - Chủ tịch Hội văn học nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam, ông Nguyễn Song Hiển - Giám đốc Nhà sáng tác Đà Nẵng cùng 15 văn nghệ sỹ tham gia Trại sáng tác.

khaimacdttst7 2020

Phát biểu khai mạc, ông Nông Quốc Bình đã yêu cầu các văn nghệ sĩ tích cực, chủ động tìm kiếm tư liệu, nâng cao tinh thần trách nhiệm, năng động, sáng tạo để hoàn thành tốt nhiệm vụ sáng tác mà Lãnh đạo Hội văn học nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam đã giao.

Ông Nguyễn Song Hiển đã phát biểu chào mừng đoàn văn nghệ sĩ của Hội văn học nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam đến với Đà Nẵng. Ông cũng phổ biến các quy định cần thiết để giúp các văn nghệ sĩ nắm rõ nhằm phối hợp tốt cùng Nhà sáng tác Đà Nẵng trong thời gian tổ chức trại.

Theo kế hoạch, Trại sáng tác diễn ra từ ngày 01/7/2020 đến hết ngày 15/7/2020 với sự tham gia của các văn nghệ sĩ là hội viên của Hội văn học nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam, thuộc các chuyên ngành: văn học, nhiếp ảnh, sân khấu- điện ảnh và văn nghệ dân gian.

Bế mạc Trại sáng tác văn học nghệ thuật Tuyên Quang 2020 tại Đà Nẵng

Ngày 2/7/2020 Nhà sáng tác Đà Nẵng đã phối hợp với Hội văn học nghệ thuật tỉnh Tuyên Quang tổ chức bế mạc Trại sáng tác văn học nghệ thuật năm 2020.

Dự bế mạc có ông Tạ Bá Hương - Phó Chủ tịch Hội văn học nghệ thuật tỉnh Tuyên Quang; ông Nguyễn Song Hiển - Giám đốc Nhà sáng tác Đà Nẵng; ông Trương Duy Huyến - Phó chủ tịch Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật thành phố Đà Nẵng cùng các thành viên tham gia Trại sáng tác.

bemactuyenquangt6 2020

Trại sáng tác lần này dành cho 15 tác giả ở 5 chuyên ngành, bao gồm: Văn học, mỹ thuật, âm nhạc, nhiếp ảnh và sân khấu… Bằng tinh thần trách nhiệm, các tác giả tham gia trại sáng tác tại Đà Nẵng lần này đã tích cực đi cơ sở, khai thác chất liệu về vùng đất, con người và cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp của thành phố biển để đưa vào tác phẩm của mình. Mỗi tác giả ở mỗi chuyên ngành đều có góc nhìn riêng và ngôn ngữ riêng để thể hiện. Tại một thành phố biển xinh đẹp, đang trên đường phát triển và giàu bản sắc văn hoá như Đà Nẵng hay một số tỉnh vùng duyên hải miền Trung đã để lại nhiều ấn tượng, nhiều cảm xúc tươi mới cho các tác giả của Tuyên Quang khi tham gia trại sáng tác.

Từ chất liệu hiện thực trong đời sống, khả năng sáng tạo và làm việc nghiêm túc, chỉ trong thời gian 15 ngày, các văn nghệ sỹ tham gia trại sáng tác tại Đà Nẵng năm 2020 đã hoàn thành 46 tác phẩm. Qua đánh giá, trại sáng tác văn học, nghệ thuật lần này đã có được thành công, không chỉ ở số lượng mà còn cả ở chất lượng nội dung của từng tác phẩm. Trong đó có 31 tác phẩm văn học, 11 tác phẩm ảnh, 2 tác phẩm mỹ thuật và 2 ca khúc. Ngoài đề tài về miền núi, có tới trên 50% số tác phẩm của các văn nghệ sỹ Tuyên Quang tham gia trại đều sáng tác về biển, đảo, với góc nhìn tươi mới và đằm sâu hơn.

Cũng trong thời gian tham gia trại sáng tác, các văn nghệ sỹ của Tuyên Quang đã có buổi gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Đà Nẵng. Tiếp đoàn văn nghệ sỹ Tuyên Quang có Nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Liên hiệp, nhạc sỹ Trương Duy Huyến, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp, nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm, Phó Chủ tịch Liên hiệp, kiêm Tổng biên tập Tạp chí Non Nước, cùng đông đảo anh, chị em văn phòng hội và các văn nghệ sỹ ở Đà Nẵng. Nhà thơ Tạ Bá Hương, Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Tuyên Quang (trưởng đoàn) và nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Liên hiệp Hội Văn học Nghệ thuật Đà Nẵng đã cùng trao đổi về tình hình sáng tác, những khó khăn, thuận lợi trong việc xây dựng, phát triển tổ chức hội giữa 2 tỉnh Tuyên Quang và Đà Nẵng trong điều kiện hiện nay.

Ngoài ra, đoàn văn nghệ sỹ của tỉnh Tuyên Quang cũng đã có chuyến làm việc, trao đổi nghiệp vụ với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Yên. Nhà văn Trần Quốc Cường, Chủ tịch Hội và nhà thơ Huỳnh Thạch Thảo, Phó Chủ tịch Hội đã tiếp và trao đổi với nhà thơ Tạ Bá Hương và anh em trại viên về thực trạng, giải pháp trong việc phát triển lực lượng hội viên, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động sáng tác giữa hai vùng văn hoá. Từ đó góp phần tạo ra lực lượng tác giả và tác phẩm có giá trị cả về nội dung và hình thức thể hiện.

 

bemactuyenquangt6 2020 1

Đại diện cho các thành viên tham gia Trại sáng tác, ông Tạ Bá Hương cũng đã chân thành cảm ơn tập thể cán bộ, nhân viên Nhà sáng tác Đà Nẵng đã nhiệt tình, chu đáo trong công tác đón tiếp, phục vụ các văn nghệ sĩ giúp cho Trại sáng tác tổ chức thành công tốt đẹp.

Về phía Nhà sáng tác Đà Nẵng, ông Nguyễn Song Hiển đã chúc mừng sự thành công của Trại sáng tác. Ông chúc các văn nghệ sỹ Tuyên Quang luôn giữ vững khả năng và cảm hứng sáng tác, tiếp tục cống hiến cho xã hội những tác phẩm mới, có chất lượng cao.

Trại sáng tác đã cho ra đời 46 tác phẩm, trong đó bao gồm: 30 tác phẩm văn học, 02 tác phẩm âm nhạc, 02 tác phẩm mĩ thuật, 11 tác phẩm nhiếp ảnh và 01 tác phẩm sân khấu.

THĂM CHỊ SÁU - Thơ Phương Lan – Hội văn học nghệ thuật Hà Nam

Thơ Phương Lan – Hội văn học nghệ thuật Hà Nam – sáng tác tại Nhà sáng tác Vũng Tàu tháng 5/2020.

THĂM CHỊ SÁU
 
           Hàng Dương vi vút hát
           Chào đón khách phương xa
           Biển xanh dào dạt sóng
           Giữa đất trời bao la!
                      Côn Đảo xưa khét tiếng
                      Địa ngục ở trần gian
                      Những người con yêu nước
                      Kiên trung không qui hàng
           Tuổi xuân tươi đẹp nhất
           Đã dâng hiến cho đời
           Chị Sáu như sao sáng
           Lưu danh đến muôn đời!
                      Em đem Lê ki ma
                      Kính dâng hương hồn Chị
                      Vô hình mà kỳ vĩ
                      Chị tạc vào không gian!
           Trăng mười sáu giát vàng (1)
           Lên đóa hoa chúm chím
           Chờ đến trăng mười chín (2)
           Chị "hóa" vào mênh mang!
                      Cả đất nước Việt Nam
                      Với năm châu bốn biển
                      Đến Hàng Dương lưu luyến
                      Lắng mình trong khói hương!
           Kính yêu và tiếc thương
           Một người con Đất Đỏ
           Đóa hoa vừa chớm nở
           Thơm ngát đến muôn đời!
                      Những giọt lệ rơi rơi!
                      Bên mộ người thiếu nữ
                      Đã trở thành bất tử
                      Giữa biển trời mênh mang!!!

CON NGƯỜI, ĐẤT NƯỚC VIỆT NAM TÔI - Thơ Nguyễn Thị Kim Ngân – Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hoá dân tộc đồng bằng Bắc Bộ

Thơ Nguyễn Thị Kim Ngân – Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hoá dân tộc đồng bằng Bắc Bộ - Sáng tác tại Nhà sáng tác Nha Trang tháng 5/2020

CON NGƯỜI, ĐẤT NƯỚC VIỆT NAM TÔI
 
Ai bảo lính thời bình không phải hy sinh?
Qua một cánh cổng thôi mà chẳng được về ăn cơm cùng mẹ.
Thèm làm sao tiếng ngô nghê con trẻ
Và được đón vợ mình sau lúc thay ca!
 
Mấy trăm mét đường mà cứ đằng dặc xa
Ngày mất cha cũng không về hương khói.
Lời con trẻ đôi lần làm tim đau nhói!...
Anh vẫn đi dù tiếng súng đã lặng rồi!
 
Cuộc sống ngoài kia hối hả, ngược xuôi
Thời a còng, bốn chấm không ... có kẻ quay cuồng trong cơn lốc...
Mấy ai hiểu bao người mẹ, bao người vợ đêm đêm lặng khóc
Nỗi khắc khoải cứ âm thầm lặn vào trong.
 
“Các cô chú yên tâm, chúng con luôn vững lòng!”
Lời lính trẻ làm bao người phấn chấn!
Khi đất nước lâm nguy, đàn cháu con luôn sẵn sàng ra trận!
Lịch sử bốn ngàn năm vang vọng muôn đời.
 
Yêu biết bao con người, đất nước Việt Nam tôi!
Subscribe to this RSS feed

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ - TRUNG TÂM HỖ TRỢ SÁNG TÁC VĂN HỌC NGHỆ THUÂT
Địa chỉ : 1A Hoa Lư, Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại : 04 39.745.763
Bản quyền thuộc về Trung tâm Hỗ trợ Sáng tác VHNT. Yêu cầu trích nguồn khi đăng tải nội dung từ trang web này